![]() |
Thày Nguyễn Viết Thịnh. Ảnh: Lao Động. |
- Ông đánh giá thế nào về nhu cầu theo học các chuyên ngành sư phạm hiện nay?
- Nhu cầu theo học các chuyên ngành sư phạm hiện vẫn rất lớn. Điều đó thể hiện ở điểm chuẩn vào trường liên tục ở tốp cao nhất trong các ĐH. Hơn nữa, nhu cầu giáo viên ở các địa phương rất lớn, tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học được nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, nhất là khi Bộ ra quy định mới về số học sinh trên số giáo viên ở các môn học, bậc học cùng với sự mở rộng mạng lưới các trường dân lập. Sự ưu đãi của nhà nước đối với giáo viên (miễn học phí đối với sinh viên sư phạm, phụ cấp đứng lớp...) và khả năng kiếm việc làm nói chung còn khá hơn sinh viên nhiều ngành khác.
- Hiện, sinh viên sư phạm là khối duy nhất được miễn giảm hoàn toàn học phí. Nhưng không ít người ra trường nhiều năm liền vẫn không tìm được việc hoặc bỏ nghề sang làm các ngành khác, gây lãng phí. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Phần đông sinh viên sư phạm là từ các vùng nông thôn và phần lớn thuộc gia đình không khá giả nên việc miễn học phí rất có tác dụng. Tuy nhiên, do sự tự do hơn của thị trường sức lao động và không có chế độ phân công công tác như cách đây 10-20 năm nên một tỷ lệ nhất định sinh viên không làm nghề dạy học (cả ở trường công lập hay dân lập).
Theo tôi, để tạo ra sự ràng buộc về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của sinh viên sư phạm cần có một cơ chế tín dụng giáo dục đặc biệt có thể phát huy hiệu quả. Đó là sinh viên sư phạm được vay tiền từ ngân hàng theo chế độ ưu đãi, đủ để trả học phí mà sinh viên phải đóng theo quy định. Sau khi ra nghề, làm việc được số năm nhất định (chẳng hạn 3-5 năm) ở ngành giáo dục, thì khoản vay này được nhà nước xóa nợ.
- Thực tế, không ít sinh viên sư phạm tâm huyết với nghề nhưng khi ra trường vẫn khó xin việc. Theo ông đâu là lý do?
- Có những lý do không chỉ thuộc thẩm quyền của ngành giáo dục, mà còn liên quan đến các quy định của Bộ Nội vụ, của các Sở Nội vụ... Nhìn chung, chính sách biên chế trong ngành giáo dục khá ngặt nghèo. Vì vậy, khá phổ biến tình trạng giáo viên trẻ (nhất là ở các tỉnh đồng bằng, thành phố, thị xã) dạy hợp đồng, hưởng thù lao theo tiết lên lớp, rất thiệt về chế độ đãi ngộ (không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) và trên thực tế cũng có thể là không tuân thủ các quy định của Luật Lao động, tư cách của nhà giáo trong Hội đồng giáo dục nhà trường không được đảm bảo. Nếu tình trạng này kéo dài cũng gây lãng phí nguồn nhân lực do giáo viên không hết tâm hết sức với cơ sở giáo dục.
- Đào tạo nhân lực theo nhu cầu của xã hội là mục tiêu hướng đến của ngành giáo dục. Vậy, đối với ngành sư phạm, việc đào tạo đã đi đúng hướng chưa khi thực tế đang có sự thừa - thiếu bất hợp lý giữa các bộ môn?
- Đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm theo nhu cầu xã hội thực ra là còn có vấn đề, nếu nhìn ở toàn bộ hệ thống. Trước hết, việc dự báo nhu cầu giáo viên (trên quy mô cả nước, vùng lớn, từng tỉnh) chưa được làm tốt. Việc theo dõi một cách có hệ thống về tình trạng việc làm của sinh viên sư phạm vẫn chưa có nên việc chưa phù hợp giữa cơ cấu đào tạo hiện nay và cơ cấu nhu cầu giáo viên theo từng môn học, ở từng địa phương chưa thể khắc phục ngay được.
Mặt thứ hai của đáp ứng nhu cầu xã hội là về mặt chất lượng của sinh viên ra trường. Hiện, nhiều trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh đã chuyển sang đa ngành, và nhiệm vụ đào tạo giáo viên đã thu hẹp đáng kể ở các trường này. Đây là tất yếu để cho các trường cao đẳng sư phạm này đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, nhưng không tránh khỏi sự "sao nhãng" nhất định đối với nhiệm vụ trọng tâm, vốn có của nhà trường.
(Theo Lao Động)