Những ngày qua, miền Bắc chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh suy yếu, trời nhiều mây, đêm và sáng mưa nhỏ, nhiệt độ trong ngày dao động từ 17-26. Vùng núi cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sapa (Lào Cai) từ 8-16 độ C.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hình thái thời tiết trên sẽ duy trì đến hết ngày 7/2 (tức 26 tháng Chạp). Từ ngày 8/2, một rãnh áp thấp trong đới gió Tây di chuyển từ vùng Thượng Lào sang, sẽ gây mưa giông ở khu vực Lai Châu, Điện Biên.
Hôm sau, rãnh áp thấp dịch chuyển sang Đông gây mưa rào và giông trên diện rộng ở Bắc Bộ, lượng mưa phổ biến được dự báo từ 30-50 mm, vùng núi phía Bắc có nơi từ 50-70 mm.
Trang AccuWeather của Mỹ dự báo, ngày 28 tháng Chạp nhiệt độ Hà Nội trong khoảng từ 19-25, sau đó giảm xuống còn 18-22 độ C.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia), nhận định các đợt mưa giông do rãnh thấp trong đới gió Tây thường kích thích mây đối lưu hoạt động mạnh, không chỉ gây mưa vừa, mưa to diện rộng mà nó còn có khả năng mang theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.
"Hình thái thời tiết này tương tự như với đợt mưa giông, mưa đá vào đêm 30, sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý ở nhiều tỉnh phía Bắc", ông Hưởng dự báo.
Miền Trung, rãnh thấp trong đới gió Tây chủ yếu tác động và gây mưa ở Thanh Hóa, Nghệ An phần phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh trong các ngày 9-10/2; đối với các tỉnh từ Quảng Bình trở vào khoảng thời gian từ nay đến hết Tết thời tiết ít mưa, trời nắng, lạnh về đêm và sáng.
Nhiệt độ Thanh Hóa các ngày từ 29 đến mùng 1 Tết trong khoảng 19-22 độ C; Đà Nẵng thời gian này trời có mưa, nhiệt độ từ 20-27.
Nam Bộ và Tây Nguyên trong những ngày Tết hầu như không mưa, trời nắng mạnh, nóng 34-35 độ có khả năng xuất hiện cục bộ ở khu vực miền Đông Nam Bộ và TP HCM.