Sáng 10/7, tại cuộc họp với TP HCM về chống Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý bên cạnh lập chốt kiểm soát ở cửa ngõ, thành phố cần thực hiện đúng tinh thần chỉ thị 16 là "người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố".
Thành phố "từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn". Việc quản lý người ngoài đường phải chặt chẽ, không để tập trung đông người trong mọi trường hợp.
Ông Đam nhấn mạnh TP HCM cần "mạnh dạn vừa làm, vừa điều chỉnh" như cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm theo nhóm hộ gia đình, phương án cách ly F0 đủ điều kiện ra viện...
Phó thủ tướng và lãnh đạo TP HCM thống nhất trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, "làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết". Dự kiến những ngày tới số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực. Với việc cách ly xã hội và điều chỉnh chiến lược chống dịch gồm truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, điều trị... TP HCM sẽ "kiểm soát được tình hình".
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết những ngày đầu thực hiện chỉ thị, nguồn cung ứng hàng hóa đã đảm bảo nhu cầu người dân. Thành phố đã tiếp nhận phản ánh của người dân để kịp thời khắc phục như hỗ trợ những người không thể nấu ăn tại nhà; tăng lượng thực phẩm đã chế biến tại siêu thị; cửa hàng tiện ích thiết yếu được hoạt động; hướng dẫn người dân mua hàng trực tuyến; cử người đi chợ giúp...
Cùng với 12 chốt kiểm soát chính tại các cửa ngõ, các quận, huyện cũng lập chốt. Hôm qua (9/7) ùn tắc tại một số cửa ngõ do người dân ra vào phải có giấy xét nghiệm âm tính, tuy nhiên, thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tạo "luồng xanh" cho xe chở chuyên gia, hàng hóa.
Ông Phong khẳng định sẽ tận dụng thời gian nửa tháng tới để tăng công suất lấy mẫu, sớm phát hiện "bóc ngay F0 ra khỏi cộng đồng, nhằm giữ vững "vùng xanh (an toàn)", đưa "vùng đỏ (nguy cơ rất cao)" thành "vùng da cam (nguy cơ cao)", xuống "vùng vàng (nguy cơ)" và nhanh trở lại an toàn".
Thành phố sẽ tính toán hài hòa giữa tốc độ lấy mẫu và năng lực xét nghiệm, không để tồn tại tình trạng lấy mẫu về nhưng chậm trả kết quả. Tinh thần là lấy mẫu đến đâu, trả kết quả đến đấy, để phân tích dịch tễ, phục vụ truy vết. Phương thức lấy mẫu, xét nghiệm theo mức độ nguy cơ, "không dàn hàng ngang". Tất cả nhà máy trên toàn thành phố phải an toàn mới được hoạt động; doanh nghiệp lập danh sách công nhân, số điện thoại, địa chỉ...
Với khu phong tỏa, thành phố xét nghiệm định kỳ 2-3 ngày một lần; khu vực nguy cơ cao 5-7 ngày một lần; ổ dịch có nguy cơ rất cao xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm mẫu gộp 5 các tổ dân phố, từng gia đình. Nếu xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính sẽ xét nghiệm PCR mẫu đơn.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn dự báo những ngày tới số ca nhiễm Covid-19 tại TP HCM tiếp tục tăng cao, hơn 1.000 ca mỗi ngày. Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã chuẩn bị kịch bản mỗi ngày có 1.600 ca nhiễm trên toàn thành phố. TP HCM có thể ghi nhận 10.000 ca nhiễm trong 5 ngày tới. Để đáp ứng kịp diễn biến này, thành phố sẽ tăng thêm 6.000 giường điều trị (hiện có 20.000 giường); chuẩn bị thêm xe cứu thương, xe y tế vận chuyển bệnh nhân.
Bộ Y tế cũng tiếp tục điều động nhân lực gồm các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ điều trị, điều dưỡng, truy vết lấy mẫu theo số lượng thành phố yêu cầu. Bộ cũng đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào phối hợp trực tiếp với các quận huyện để chống dịch.
Đến trưa 10/7, TP HCM ghi nhận 11.415 ca nhiễm Covid-19, cao nhất cả nước trong đợt dịch thứ tư.