CTCP Phenikaa-X (đơn vị thành viên của Đại học Phenikaa) cùng Viettel Networks và Qualcomm ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, triển khai dự án xây dựng tiểu đô thị đại học thông minh đầu tiên tại Việt Nam trên khuôn viên của Đại học Phenikaa, vào ngày 23/11.
Dự án sẽ đưa khuôn viên Đại học Phenikaa trở thành tiểu đô thị thông minh với nhiều sản phẩm công nghệ 4.0 như: bản đồ số, xe tự hành, robot thông minh, camera, thiết bị bay (drone), thiết bị thực tế ảo (XR/VR), thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)... Các hoạt động của Đại học Phenikaa sẽ được chuyển đổi lên các nền tảng số, thay đổi toàn diện công tác quản trị, vận hành cơ sở vật chất.
Trong dự án này, Đại học Phenikaa và Phenikaa-X sẽ cung cấp các sản phẩm công nghệ hoạt động dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) như bản đồ số, xe tự hành, robot thông minh và các giải pháp hỗ trợ quản lý, vận hành cơ sở vật chất như trường học, tòa nhà, bệnh viện, thư viện, giao thông thông minh, khu đỗ xe...
Viettel Networks sẽ triển khai hạ tầng kết nối 5G và tính toán tại biên (Mobile Edge Computing). Qualcomm cung cấp chip và các module kết nối với mạng 5G.
Mạng 5G sẽ phủ sóng toàn bộ khuôn viên Đại học Phenikaa trên cả hai băng tần 2600 MHz và mmWave. Điều này cho phép người dùng có thể truy cập Internet với tốc độ đường truyền trên 1 Gbps. Trước đó, hồi tháng 8, mạng 5G được thử nghiệm thành công tại Viettel Innovation Lab.
Ngoài ra, Viettel Networks và Qualcomm sẽ hỗ trợ Phenikaa-X trong công tác R&D để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới, thúc đẩy sự phát triển của dự án xây dựng các giải pháp, ứng dụng đô thị thông minh "Make-in-Vietnam" trong tương lai.
Hạ tầng triển khai dự án (khuôn viên Đại học Phenikaa) thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) với diện tích 14 ha. Đại học Phenikaa hiện có hệ thống phòng học đa phương tiện, phòng thực hành/thí nghiệm, không gian học ngoài trời, ký túc xá, khu thể thao phức hợp, nhà thi đấu đa năng...
Đại diện nhà trường cho biết, việc phát triển dự án tại Đại học Phenikaa tạo điều kiện cho các startup thử nghiệm những công nghệ mới nhất, sinh viên có khả năng thực hành các thiết bị truyền dẫn tốc độ cao, qua đó thu hút và đào tạo nhân tài cho tương lai.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng kiêm Tổng giám đốc Đại học Phenikaa nhấn mạnh: "Dự án tiểu đô thị đại học thông minh Phenikaa tiếp tục khẳng định chiến lược đổi mới sáng tạo và tính hiệu quả của Tập đoàn Phenikaa và Đại học Phenikaa trong lĩnh vực công nghệ, hướng tới thực hiện hóa mục tiêu đưa Phenikaa trở thành trung tâm công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Đông Nam Á. Thông qua nền tảng 5G và các ứng dụng công nghệ hiện đại, chúng tôi tin rằng dự án sẽ góp phần kiến tạo cuộc sống chất lượng cao cho cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam".
Ông Lê Bá Tân, Phó Tổng Giám đốc Viettel Networks, nhận định, 5G là một trong những công nghệ then chốt để xây dựng hạ tầng số tại Việt Nam. "Hiện nay, chúng tôi đã sẵn sàng về mặt giải pháp kỹ thuật cho mạng 5G và cam kết sẽ mang đến một hạ tầng 5G vượt trội cho dự án hợp tác lần này. Đây sẽ là môi trường kiểm chứng và phát huy lợi thế, hiệu quả của mạng 5G Viettel qua những ứng dụng thực tế trong cuộc sống", ông Tân nói.
"Công nghệ này sẽ là nền tảng giúp Việt Nam phát triển các giải pháp, sản phẩm công nghệ nhằm hỗ trợ người dân có một cuộc sống tiện ích và thông minh hơn", ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Campuchia và Lào, đánh giá.
Dự án tiểu đô thị đại học thông minh Phenikaa được thử nghiệm triển khai theo nhiều giai đoạn. Dự án sẽ thúc đẩy phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam theo chiến lược đến năm 2030 của Chính phủ, đóng góp vào lĩnh vực phát triển các ứng dụng cho đô thị thông minh của thế giới.
Châu Vũ