Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn lập báo cáo khả thi, song, với số vốn đầu tư "kỷ lục" gần 32 triệu USD, dự án "Nâng cao chất lượng nước hồ Tây" của Hà Nội đang là một trong những dự án gây nhiều tranh cãi nhất.
Ngày 16/5, tại Hội Liên hiệp KHKTVN, nhiều nhà khoa học đã phản đối dự án này. Lý do của những ý kiến trái chiều này không hoàn toàn bởi dự án "động" đến hồ Tây, một "địa linh" nhạy cảm nhất của Hà Nội, mà chủ yếu do giải pháp "thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng".
Nước sông Hồng có sạch hơn nước hồ Tây?
Với mục đích cải tạo môi trường khu vực hồ Tây, ngày 30/11/1998, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở KH&ĐT, UBND quận Tây Hồ chỉ đạo Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây ký hợp đồng với Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng GTCC, phối hợp với chuyên gia của Cộng hoà Áo lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án "Nâng cao chất lượng nước hồ Tây".
Nội dung dự án bao gồm: "Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các lưu vực xung quanh hồ Tây và xây dựng hệ thống xử lý nước lấy từ sông Hồng bơm vào hồ Tây. Thay toàn bộ nước hồ 3 lần trong một năm, đảm bảo nước hồ Tây đạt tiêu chuẩn của một hồ bơi thể thao...".
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, thì hiện mức độ ô nhiễm nước ở hồ Tây vẫn ở mức nhẹ. Trong khi đó, sông Hồng (nằm dưới Khu công nghiệp Việt Trì) lại là nơi tiếp nhận chất thải từ đủ các nguồn khác nhau - từ nước thải sinh hoạt đến nước thải công nghiệp - nên mức độ ô nhiễm ở đây là không thể lường hết.
Cần phải nhắc lại rằng, hiện hồ Tây là một trong 4-5 hồ nước ngọt còn lưu giữ được hệ sinh thái tự nhiên phong phú nhất. Do đó việc thay đổi nguồn nước chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái. Giáo sư Mai Đình Yên, một chuyên gia hàng đầu về sinh thái, cho rằng, bài toán xử lý ô nhiễm của hồ Tây không phải là vấn đề thay nước, mà cần ưu tiên hàng đầu việc ngăn chặn và xử lý các nguồn nước thải đổ vào hồ.
Đổi hình thức, không đổi nội dung
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, biểu lộ sự băn khoăn, không biết tiêu chuẩn nước hồ Tây sau xử lý mà người làm dự án nêu lên là tiêu chuẩn gì? Không thể nói chung chung tiêu chuẩn nước hồ Tây trở lại như năm 1980 là đủ.
Một ý tưởng mới cũng vừa được Ban dự án đưa ra: Sau 18 tháng bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, hệ thống bơm và xử lý nước sông Hồng lại có thể sẽ được tận dụng để biến nước sông Hồng thành nước sinh hoạt, bổ trợ cho nguồn nước ngầm đang dần cạn kiệt của Hà Nội. Tuy nhiên, như nhìn nhận của một chuyên gia nước ngầm thì, từ trước tới nay, nước sinh hoạt vẫn lấy từ hệ thống nước ngầm và hệ thống này chưa bao giờ bị coi là thiếu. Do đó ý tưởng dùng hệ thống bơm của dự án này để xử lý đưa nước sông Hồng hòa vào hệ thống nước sinh hoạt phục vụ người dân thành phố chỉ là "làm đẹp" dự án.
Đẹp dự án, nợ đè lên dân
Một trong những vấn đề nổi cộm của dự án: Kinh phí và ai trả nợ. Theo tính toán, 32 triệu USD vay của Cộng hoà Áo với lãi suất 2,9%/năm thì sau 15 năm (thời hạn thanh toán), chúng ta sẽ phải trả ước chừng khoảng 13 triệu USD tiền lãi: Không nhỏ chút nào!
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: "Dự án nói Bộ Tài chính trả, nhưng thực tế tiền ở Bộ Tài chính cũng chính là tiền của người lao động. Do đó, không thể thờ ơ vin vào cớ thiện chí cho vay của nước ngoài để mang gánh nặng trút cho thế hệ sau".
(Theo Lao Động, 19/5)