Mẹ luôn muốn là một người bạn của con, đồng hành cùng con trên con đường trưởng thành từng ngày. Vì vậy, mẹ luôn hạ cái tôi của một người mẹ vĩ đại xuống để có thể lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với con mọi chuyện. Và mẹ đã trở thành một người bạn thực sự của con khi được con chia sể về những ước mơ kiểu như: "Sau này con sẽ làm gì?".

Mẹ bắt tay vào cùng các con thực hiện dự án start-up.
Một tối nọ, trong một lần đi bộ, cô chị chia sẻ muốn làm một trang trại trồng rau. Và mẹ chợt nghĩ tại sao không cho các bạn ấy thử kinh doanh nhỉ? Và dự án start-up: Rau mầm sạch ra đời. Giai đoạn một, để khơi gợi hứng thú của các bạn ấy, mẹ bảo: "không biết rau mầm là gì, có gì hay và trồng như thế nào mà dạo này mẹ thấy nhiều người nói lắm!". Thế là mẹ lại xúi các bạn ấy lên google tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của mẹ và tổng hợp bằng mindmap. Tiếp đó, mẹ đề nghị: "Hay mình trồng rau mầm để bán nhỉ? Đương nhiên là các bạn ấy nhiệt liệt hưởng ứng rồi".
Giai đoạn hai, thương vụ bạc tỉ. Vấn đề đầu tiên các bạn ấy gặp phải đó là tiền để mua hạt giống. Thế là mẹ thuyết phục shark bố đầu tư. Nhưng muốn thuyết phục được, bố thì cần phải lập được kế hoạch dự kiến xem lãi lời thế nào. Và rồi lại tìm: nào là hạt giống bao nhiêu tiến, thùng xốp để trồng thì có thể xin bà ngoại nên không mất tiền... và 1 kg hạt có thể thu được bao nhiêu kg rau? Giá 1 kg rau mầm là bao nhiêu? Và sẽ thu được bao nhiêu? Sau đó, bố phối hợp với mẹ để các bạn ấy chia sẻ về start-up đầu tiên của mình. Kết quả của vòng gọi vốn đầu tư thì hẳn là ai cũng biết rồi. Thành công như mong đợi.
Giai đoạn ba, trồng và chăm sóc rau mầm. Mẹ thấy trước khi bắt tay vào trồng, các bạn ấy nên được học và tìm hiểu kiến thức về thực vật. Sau khi đã có kiến thức về thực vật, các bạn ấy đã bắt tay vào trồng thử nghiệm. Nào là phải ngâm nước bao nhiêu tiếng? Ủ bao nhiêu tiếng? Tưới nước ngày mấy lần? Trong quá trình chờ đến ngày thu hoạch, mẹ đã hướng dẫn các bạn ấy làm logo và brochure giới thiệu về sản phẩm rau mầm của mình. Sau một hồi thảo luận, các bạn đã thống nhất chọn tên cho thương hiệu là: "Rau mầm sạch TM"; slogan của sản phẩm là: "Rau mầm rất Healthy".

Hai con cùng bán rau mầm sạch.
Giai đoạn 4, thu hoạch và bán rau. Các bạn ấy kiêm luôn shipper đi đưa rau cho các cô, các bác đặt hàng và không quên tổng hợp số tiền thu được vào trong sổ (đối với Hà My 7 tuổi) và trên file Excel (đối với Hà Thương 10 tuổi). Giai đoạn 5, bài học về quản lý tài chính. Sau 2 đợt trồng và bán rau với số tiền thu được, chúng ta sẽ sử dụng như thế nào đây? Mẹ nghĩ đây hẳn là một cơ hội tuyệt vời để dạy các bạn ấy về bài học quản lý tài chính. Và mẹ đã hướng dẫn các bạn ấy chia số tiền thu được vào 4 chiếc lọ:
Lọ số 1 - tiết kiệm, là khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích cụ thể như mua sách, đăng ký một khóa học vẽ... (3/10 tổng số tiền kiếm được). Con có dự định cụ thể nào? Và số tiền con sẽ để vào lọ số 1 sẽ là bao nhiêu?
Lọ số 2 - đầu tư, khoản tiền để đầu tư cho một mục đích kinh doanh nào đó (3/10 tổng số tiền). Con có dự định kinh doanh gì tiếp theo? Số tiền con sẽ để vào lọ số 2 sẽ là bao nhiêu?
Lọ số 3 - cho đi, khoản tiền để làm từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn (1/10 tổng số tiền). Con dự định sẽ làm từ thiện gì? Số tiền con sẽ để vào lọ số 3 sẽ là bao nhiêu?
Lọ số 4 - Tiêu, khoản tiền con được tiêu tùy ý như mua một cái gì đó mà mình thích (3/10 tổng số tiền). Con muốn mua món đồ gì? Số tiền con sẽ để vào lọ số 4 sẽ là bao nhiêu? Sau một hồi tính toán các kiểu, cô chị đã hướng dẫn em chia thành công số tiền đó vào các lọ.

Số tiền kiếm được, được chia ra 4 chiếc lọ.
Cuối cùng, với số tiền ở chiếc lọ tiết kiệm, các bạn ấy đã nhét lợn. Với số tiền ở lọ đầu tư, cô chị dự định kinh doanh kem ở dự án tiếp theo, cô em dự định bán đồ dùng học tập cho các bạn. Với chiếc lọ tiêu, các bạn ấy phấn khích khi được sử dụng để mua đồ ăn mà mình thích. Còn với chiếc lọ cho đi, các bạn ấy đã thống nhất ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19. Số tiền tuy không lớn nhưng là do chính các bạn ấy làm ra nên các bạn ấy cảm thấy mình thật lớn.
Vậy là kết thúc dự án start-up đầu tiên này, các bạn ấy học được vô số bài học từ đó. Và bài học về quản lý tài chính khi còn nhỏ đã đi vào tiềm thức của các bạn nhỏ một cách vô cùng nhẹ nhàng và thú vị. Để các bạn thấy được sử dụng đồng tiền mình kiếm ra một cách khoa học và hiệu quả cũng khó khăn như khi mình tạo ra được nó. Một mùa hè thật thú vị cho các bạn bé của mẹ!
Hạnh Nhân
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây