Dịch bệnh và hạn mặn khốc liệt gây nhiều ảnh hưởng cho người dân tại vùng Đồng Tháp Mười. Nhưng cũng tại thời điểm này, dự án "Ngôi làng bền vững" do SonKim Land sáng kiến đã khởi động, mang đến hy vọng cho người dân.
Ánh sáng hy vọng
Ngồi nghỉ trên cánh võng trước hiên nhà, ông Lê Thanh Minh (xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) không giấu được niềm vui và sự xúc động với ngôi nhà mới hoàn thiện xong. Tuy chỉ xây thô nhưng với ông mỗi viên gạch đều là kỷ niệm đáng quý của SonKim Land và các tình nguyện viên Habitat dành tặng người dân nghèo tại vùng quê này.

Ông Lê Thanh Minh treo bức ảnh chụp đoàn tình nguyện viên Nhật và cán bộ phụ trách dự án tại vị trí trung tâm trong ngôi nhà mới.
Trước đây khi trời mưa, ông Minh phải gọi tất cả người thân dậy di chuyển sang góc khác hoặc dùng nilon hứng nước vì nhà mái lá mục nát không đủ sức chống chọi với gió mưa. Giờ thì gia đình ông yên tâm vì đã có một căn phòng ngủ "tràn đầy hạnh phúc".
Còn vợ chồng anh Đào Vũ Qui cũng là một trong 8 hộ được dự án hỗ trợ xây nhà mới. Bên cạnh câu chuyện về việc bán buôn hàng nước giải khát, sửa xe trước cửa, anh chị phấn khởi bàn kế hoạch mua sắm trang hoàng cho ngôi nhà đã hoàn thiện phần khung thêm khang trang, tươm tất. An cư rồi, anh và vợ sẽ thêm động lực yên tâm phát triển kinh tế để bé nhỏ được đến trường đầy đủ, chăm sóc con gái lớn bị bệnh down.
"Nếu không được hỗ trợ, mình không dám nghĩ tới một ngày có nhà khang trang thế này", anh Đào Vũ Qui xúc động chia sẻ.

Anh Đào Vũ Qui trong ngôi nhà mới xây thay thế cho ngôi nhà lụp xụp trước kia.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục câu chuyện cảm động mà SonKim Land đã chung tay cùng Habitat và chính quyền đem đến cho người dân nghèo vùng rốn lũ ĐBSCL, giúp họ thắp lên ngọn lửa hy vọng và niềm tin về một ngày mai không phải lo ăn từng bữa.
Hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo
Ước mơ về một ngôi nhà khang trang và bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn canh cánh với người dân nghèo xã Hưng Thạnh. Nhưng hơn một năm trước đây, khi chưa có dự án xây dựng "Ngôi làng bền vững", gia đình ông Minh và anh Qui đều không dám nghĩ tới, bởi điều kiện kinh tế của họ chỉ đủ ăn từng ngày. Còn giờ đây, không chỉ ông Lê Thanh Minh và anh Đào Vũ Qui, mà còn có thêm 26 hộ dân cùng chung một niềm tin vào tương lai.
Niềm tin đó được SonKim Land hiện thực hóa qua vai trò chủ trì dự án với mô hình hợp tác 3 bên. Không chỉ chịu trách nhiệm tài chính, doanh nghiệp này còn là "đầu tàu" huy động các bên có chuyên môn phù hợp tham gia. Cụ thể tổ chức NGO-Habitat Vietnam - chịu trách nhiệm thực hiện, đào tạo kỹ năng. Còn chính quyền địa phương xã Hưng Thạnh phụ trách giám sát quản lý và đảm bảo chọn đúng đối tượng tham gia.
Mô hình "kiềng ba chân" đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giúp dự án phát triển bền vững, toàn diện. Các hộ gia đình được chọn cần đáp ứng tiêu chí của dự án như hộ khó khăn, có nhiều trẻ em, chỗ ở tạm bợ, không đáp ứng đủ điều kiện về an toàn nhưng có chứng nhận chủ quyền đất, gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn ưu đãi lãi suất của Nhà nước, có ý chí vươn lên thoát nghèo.
"Đây là những nguyên tắc chọn hộ chúng tôi đề ra nhằm đảm bảo tác động lâu dài cho dự án", đại diện SonKim Land chia sẻ.

Buổi tập huấn nâng cao nhận thức trong khuôn khổ dự án diễn ra với sự tham gia đông đủ các hộ được chọn.
Theo đại diện SonKim Land, cần tư duy khác biệt hướng đến những thay đổi từ gốc giúp người dân thoát nghèo bền vững. Các hộ tham gia dự án, ngoài hưởng lợi từ hỗ trợ cải thiện điều kiện sống như tiếp cận nhà ở an toàn, nước sạch và vệ sinh môi trường, họ còn được dự án đào tạo kỹ năng nâng cao nhận thức sống như kiến thức về quản lý tài chính, xây nhà, ứng phó với thay đổi khí hậu... Những kỹ năng này sẽ giúp người dân tự tin xoay chuyển tình thế trong cuộc sống để thay đổi từ bị động sang chủ động.
"Chỉ khi điều kiện sống người dân được cải thiện và nhận thức thay đổi thì các đối tượng dễ bị tổn thương thuộc khu vực chịu tác động của thiên tai tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười nói riêng và người nghèo nói chung mới thực sự mới thoát nghèo và phát triển bền vững", đại diện SonKim Land nhấn mạnh.
Anh Dũng