Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang) có tổng vốn đầu tư 72 triệu USD (hơn 1.600 tỷ đồng). Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 60 triệu USD (khoảng 1.400 tỷ đồng), còn lại là nguồn vốn đối ứng.
CCSEP Nha Trang được triển khai từ năm 2019 với mục đích kết nối đô thị, cải thiện môi trường, hỗ trợ cải cách thể chế, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2022, song không về đích kịp. Hợp phần hai của dự án là kè bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử; kè và đường nam sông Cái sau đó được lùi tiến độ đến tháng 3, 4 năm nay cũng không thể hoàn thành do vướng mặt bằng, phải dừng thi công từ năm ngoái.
Theo Ban quản lý dự án Phát triển tỉnh Khánh Hòa, quá trình thực hiện dự án CCSEP Nha Trang liên tục vấp phải vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài tuân thủ pháp luật trong nước, công tác đền bù ở dự án phải thực hiện theo quy định của WB. Hiện, dự án chậm ban hành tiêu chí tái định cư dẫn đến chưa thể tính toán số tiền đền bù cho các hộ dân đủ điều kiện.
Ngoài ra, việc thay đổi ranh giới dự án khiến hội đồng bồi thường phải làm lại các bước từ kiểm kê, họp xác minh nguồn gốc đất, niêm yết và trình phê duyệt. Tính đến cuối tháng 5/2023, chỉ 82 trong số 398 hộ gia đình ảnh hưởng bởi dự án đồng ý nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng. Do chậm triển khai, WB nêu quan điểm không chấp nhận gia hạn thêm và đưa ra phương án cần hủy một số hạng mục đầu tư ra khỏi dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nói việc hủy bỏ các hạng mục còn lại thuộc hợp phần hai dự án CCSEP Nha Trang sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương. Nếu cắt giảm hạng mục kè và đường sẽ ảnh hưởng mục đích giảm ngập lụt, kết nối giao thông toàn dự án, kéo theo 3/15 chỉ số không đạt hiệu quả theo mục tiêu ban đầu.
Chưa kể hạng mục kè và đường dọc bờ nam sông Cái (nguồn vốn WB) là động lực chính tạo thành hệ thống hạ tầng, giao thông hoàn chỉnh khi kết hợp công trình mà địa phương đã đầu tư, như: cầu Kim Bồng (131 tỷ đồng), vành đai 2 (1.180 tỷ đồng), đập ngăn mặn qua Sông Cái (760 tỷ đồng).
Theo ông Tuân, tỉnh còn đối diện những rủi ro khi dừng hợp đồng và hủy các hạng mục khỏi dự án. Các nhà thầu đã huy động nhiều máy móc, vật tư và nhân lực để thi công dự án. Trong khi đó, theo các điều khoản ký kết, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không do lỗi nhà thầu có thể dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp hợp đồng và phải đền bù cho phía thi công.
Ban Quản lý Dự án Phát triển tỉnh đã tiếp nhận đơn đề nghị bồi thường gần 13 tỷ đồng nếu chấm dứt hợp đồng từ thành viên liên danh thực hiện gói thầu kè và đường nam sông Cái.
Tại buổi làm việc vào ngày 12/7, chính quyền Khánh Hòa kiến nghị WB tạo điều kiện để tỉnh hoàn thành các dự án. Bà Anna Wellenstein, Giám đốc Phát triển bền vững vùng Đông Á - Thái Bình Dương của WB, cho biết ngân hàng sẽ họp để xem xét đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của tỉnh.
Bùi Toàn