Chiều 25/9, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân đã ấn nút khởi động quỹ hỗ trợ hạt giống (Innofund) – một trong những hợp phần quan trọng nhất thuộc dự án hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP).
BIPP là dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Vương quốc Bỉ với tổng kinh phí 4,4 triệu euro. Trong đó, Chính phủ Bỉ tài trợ 4 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án BIPP có 4 nội dung, gồm đánh giá toàn bộ hiện trạng về phát triển các cơ sở ươm tạo, lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam nhằm đề xuất các chính sách hỗ trợ, thí điểm chính sách hỗ trợ 2 cơ sở ươm tạo, một cơ sở trực thuộc Viện Ứng dụng công nghệ và một cơ sở thuộc trường ĐH Bách khoa TP. HCM.
Nội dung thứ ba là thí điểm một cơ chế hỗ trợ về tài chính thông qua Quỹ Innofund với mục tiêu hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án ươm tạo khả thi của tổ chức, cá nhân đang tiến hành hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, ươm tạo khởi nghiệp tại các cơ sở ươm tạo.
Dự án cũng sẽ xây dựng một khung theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện kết quả của 3 cấu phần nói trên.
Việc hỗ trợ của quỹ Innofund sẽ được thực hiện dưới dạng vốn tài chính không hoàn lại, tối thiểu cho mỗi dự án là 15.000 euro và tối đa là 45.000 euro. Ngoài hỗ trợ về tài chính, Quỹ còn hỗ trợ tư vấn thực hiện kiểm toán đổi mới sáng tạo ở các viện nghiên cứu/khoa thuộc trường đại học nhằm xác định các ý tưởng đổi mới sáng tạo có khả năng thương mại hóa thông qua việc cấp phép sở hữu trí tuệ hoặc khởi nghiệp kinh doanh…
Dự án BIPP có quy định một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên tài trợ gồm: các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ về môi trường, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, những dự án ươm tạo trong các lĩnh vực công nghệ khác cũng được xem xét, tài trợ nếu phù hợp và đáp ứng yêu cầu của Quỹ.
Vườn ươm công nghệ được coi là nơi hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, nơi giúp các doanh nghiệp có thể khởi nghiệp, phát triển vững mạnh dựa trên kết quả nghiên cứu công nghệ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Việt Nam hiện có khoảng 50 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ với các mô hình như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học (vườn ươm thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM...); vườn ươm thuộc doanh nghiệp (như vườn ươm các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Tập đoàn FPT...); vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc... Đặc biệt là mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quản lý nhằm tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng và nghiên cứu thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm sản phẩm, thành lập doanh nghiệp.
T. Đức