Bị cáo Dũng, 56 tuổi, trú Gia Lai, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Lương, 47 tuổi, trú TP Hà Tĩnh, cựu Giám đốc Công ty Tân Đại Việt bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên sơ thẩm ban đầu dự kiến diễn ra hai ngày, bà Nguyễn Thị Thương Huyền làm chủ tọa. Tuy nhiên, khi vào phần xét hỏi được hơn 30 phút, chủ tọa thông báo "vì lý do khách quan, đột xuất" không thể tiếp tục điều hành phiên tòa. HĐXX sau đó hội ý, thống nhất tạm dừng, thời gian xét xử lại chưa ấn định.
Trước đó, vụ án đã một vài lần hoãn, gần nhất vào ngày 29/7 do diễn biến phức tạp của Covid-19, các luật sư bào chữa ở Hà Nội không thể đến Hà Tĩnh dự phiên tòa.
Sáng 14/10, một số người liên quan vụ án song đã bị phạt tù trước đó như Trần Anh Quang (cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà), Kiều Đình Hòa (cựu Giám đốc BIDV Hà Tĩnh) được triệu tập.
Tại phần kiểm tra căn cước, dù còn một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt, song tòa xác định quá trình điều tra đã thu thập, xác minh đầy đủ thông tin, đủ điều kiện xét xử. Đại diện bị hại đến tòa là lãnh đạo chi nhánh BIDV Hà Tĩnh.
Theo cáo trạng, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt trên diện tích hơn 2.000 ha, tại hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Tổng mức đầu tư 4.223 tỷ đồng, quy mô 254.000 con bò một năm. Ông Dũng làm Tổng giám đốc điều hành.
Từ khi được cấp phép đầu tư, Công ty Bình Hà xây được 65 chuồng trại, hai khu nhà điều hành, 19 kho chứa và các công trình phụ trợ, trồng được cỏ trên diện tích 678 ha.
Dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò mỗi năm, đã xuất bán khoảng 43.000 con sau khi vỗ béo, lượng bò nhập về thả nuôi giảm dần theo từng năm. Cuối tháng 3/2017, dự án ngừng nuôi, hệ thống chuồng trại bỏ không.
Nhà chức trách cáo buộc, quá trình điều hành, ông Dũng là người đại diện công ty ký các hợp đồng tín dụng và thế chấp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. Theo quy định, điều kiện để BIDV giải ngân vốn vay là các cổ đông phải có vốn đối ứng và góp đủ 110 tỷ đồng.
Theo cơ quan công tố, lúc triển khai xây dựng dự án, ông Dũng kê khai khống 6 danh mục tài sản chứng minh vốn tự có nhằm mục đích để BIDV Hà Tĩnh tin tưởng vào năng lực tài chính của mình khi phê duyệt tài trợ tín dụng cho Công ty Bình Hà.
Ngoài ra, ông Dũng còn dùng tiền góp vốn của cổ đông chuyển cho một công ty khác 41 tỷ đồng, sau đó vay lại số tiền này để góp vốn chứng minh vốn tự có; thông đồng với ông Lương, Giám đốc Công ty Tân Đại Việt trước khi ký hợp đồng tín dụng với BIDV. Ông cũng thỏa thuận với 3 giám đốc công ty khác về việc trích lại khoảng 20% giá trị hợp đồng xây lắp, kinh tế và lập khống hồ sơ thanh quyết toán khối lượng các hạng mục thi công...
Ông Dũng sau đó chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ đề nghị BIDV Hà Tĩnh giải ngân tạm ứng 50% giá trị hợp đồng vào tài khoản các nhà thầu để họ chuyển lại cho Bình Hà 20% tổng giá trị hợp đồng. Ông dùng số tiền này góp vốn vào Bình Hà dưới danh nghĩa cổ đông cá nhân nhằm chứng minh vốn đối ứng để BIDV Hà Tĩnh giải ngân. Từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016, ông bị cáo buộc đã vay và chiếm đoạt hơn 155 tỷ đồng của BIDV Hà Tĩnh.
Tháng 6/2018, ông Dũng và Lương bị Công an Hà Tĩnh bắt. Trong vụ này, ông Dũng bị xác định là người thực hiện hành vi phạm tội chính. Hơn 155 tỷ đồng chiếm đoạt của BIDV Hà Tĩnh, ông Dũng sử dụng để góp vốn chứng minh vốn tự có 72,5 tỷ đồng, góp cho 2 cổ đông khác hơn 83 tỷ đồng.
Ông Lương được nhận định có vai trò giúp sức. Vì muốn được nhận, ký hợp đồng thi công dự án, biết việc thỏa thuận với ông Dũng thu lại 20% số tiền sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhưng vẫn đồng ý. Việc làm trên giúp ông Dũng chiếm đoạt 84 tỷ đồng của BIDV Hà Tĩnh.
Trước đó, năm 2020, ông Dũng bị TAND Hà Nội phạt 12 năm tù về tộiLạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,liên quan đại án xảy ra tại BIDV và Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà. Ông Dũng sau đó kháng án và bị tuyên y án tại phiên phúc thẩm hôm 29/6.