![]() |
Theo đó, các công trình xây dựng phải dựng hàng rào che chắn cao hơn công trình từ 0,5-1 m; chuyển chất thải xây dựng trong các đường ống kín, đặt container thu gom chất thải xây dựng ngay từ nguồn; tưới nước chống bụi trước khi đào nền móng hoặc phá dỡ công trình. Các phương tiện vận chuyển đất thải, vật liệu xây dựng phải được rửa bằng cầu rửa xe, có đầy đủ bạt che chắn trước khi ra khỏi công trường; khuyến khích và tiến tới bắt buộc áp dụng các công nghệ mới như sử dụng vữa tươi, bê tông tươi. Xây dựng mạng lưới các trạm rửa xe trong thành phố với cầu rửa hiện đại, khoa học. Kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, chỉ cấp phép khi đủ điều kiện về diện tích, kỹ thuật, phương tiện. Phát triển hệ thống cây xanh, tăng diện tích vườn hoa, công viên trên các tuyến vành đai. Trong công tác duy trì thu dọn bụi, sử dụng công nghệ mới như xe quét hút (ôtô và xe đẩy tay), tăng cường tưới chống bụi các đường vành đai, phun rửa lá cây, vỉa hè trong mùa khô hanh... Đồng thời phải có các quy định trong công tác quản lý bụi từ các nguồn phát sinh, có sự phân công trách nhiệm cụ thể, không chồng chéo trong việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Theo Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, nồng độ bụi trung bình năm ở Hà Nội hiện nay lớn hơn tiêu chuẩn quốc tế 2,5 lần, có khu vực vượt gấp 4 lần như các quận Đống Đa, Tây Hồ, huyện Gia Lâm. Nguyên nhân phát sinh bụi tập trung chủ yếu vào hoạt động xây dựng. Mỗi tháng trên địa bàn thành phố có đến 1.000 công trình được triển khai đồng loạt, từ hệ thống cơ sở hạ tầng chung đến các công trình nhỏ lẻ do người dân thực hiện. Thế nhưng, các phương tiện không được che chắn trong quá trình vận chuyển làm vật liệu rơi vãi, tạo ra nguồn bụi gây ô nhiễm không khí và mất vệ sinh. Hiện có đến 95% số xe tải lưu thông không đảm bảo vệ sinh, 65% số xe không có vải che và chở quá tải trọng. Lượng ôtô, xe máy tăng không ngừng với mật độ lưu thông quá lớn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm. Thêm vào đó, thành phố có hơn 300 điểm buôn bán vật liệu xây dựng. Đa số các điểm này diện tích nhỏ hẹp, thường xuyên sử dụng lòng, hè đường làm nơi tập kết, vận chuyển và bốc dỡ; gần 100 trạm trung chuyển, khai thác cát, đất, phù sa, than tại các bến cảng dọc tuyến sông Hồng hoạt động liên tục suốt ngày đêm đã chuyển khối lượng bụi rất lớn về thành phố. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như thói quen sinh hoạt của người dân, hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời tiết... cũng làm tăng mức độ bụi ở Hà Nội. Trong khi đó, việc thu dọn đất rác thải và tưới nước rửa đường chỉ do Công ty Môi trường đô thị thực hiện, luôn bị động do yếu về năng lực và phương tiện hầu như không có. (Theo Lao Động) |