Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Thưa Bộ trưởng, tính khả thi của dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam được tính toán như thế nào?
- Đường sắt cao tốc Bắc - Nam chỉ mất 5 giờ, tiết kiệm chi phí về thời gian và góp phần giảm áp lực vận tải cá nhân trên đường bộ, giải quyết ùn tắc giao thông. Về tương lai, đường sắt cao tốc liên kết với đường sắt nội đô cũng như các phương thức vận tải hàng không, đường biển tạo bức tranh vận tải đa phương thức, đảm bảo cho phát triển kinh tế cả nước, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông. Ngoài ra, tuyến đường sẽ góp phần giao lưu kinh tế các vùng miền tốt nhất, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trong báo cáo trình Quốc hội, chúng tôi đã phân tích hiệu quả kinh tế xã hội và kinh tế tài chính. Có thể nói rằng, hiệu quả kinh tế đơn thuần thì không cao song dự án có thế lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn. Ngoài ra, hiệu quả ở đây cần xét trên yếu tố cộng đồng.
- Phương án huy động vốn cho dự án đường sắt cao tốc như thế nào, khi mà tổng vốn đầu lên tới 56 tỷ USD?
- Bây giờ Chính phủ mới báo cáo đầu tư trước Quốc hội, để Quốc hội quyết định có làm hay không. Nếu được chấp thuận thì Bộ GTVT sẽ bàn với đối tác về khả năng vay vốn thế nào, lãi suất ra sao, thời gian vay, các điều kiện... Đối tác cũng chờ xem Quốc hội đồng ý hay không, hiệu quả sơ bộ của báo cáo đầu tư thế nào.
Đây là dự án rất lớn, chiếm 50% GDP một năm của đất nước, kéo dài đến năm 2035. Trong 10 năm đầu huy động hơn 2 tỷ USD một năm, những năm sau sẽ huy động hơn 4 tỷ USD một năm. Xét về tổng thể, đầu tư cho giao thông vận tải hiện nay mới chiếm 7% tổng đầu tư của xã hội trong khi kinh nghiệm quốc tế, đầu tư cho giao thông vận tải chiếm khoảng 15%. Nếu có dự án đường sắt cao tốc thì đầu tư cho giao thông tăng lên 15%, vẫn nằm trong giới hạn cho phép mà không ảnh hưởng vào các ngành kinh tế khác.
- Theo Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc hội, với việc xây dựng hàng loạt hầm, cầu cạn, cầu vượt sông... thì tổng mức đầu tư dự án sẽ vượt xa so với dự kiến. Bộ trưởng nói gì về lo ngại trên?
- Chi phí của dự án theo tính toán của Nhật Bản là tương đối cao, bao gồm chi phí dự phòng tới 13%, nên khả năng phát sinh vượt dự kiến không lớn. Song chí phí có thể tăng ở phần giải phóng mặt bằng do phải di dân, tái định cư... Nhìn chung, tôi cho rằng chi phí đầu tư chỉ xấp xỉ mức 56 tỷ USD.
Tàu hỏa cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: Sakuravietnam.
- Thay vì xây đường sắt cao tốc, một số chuyên gia đề xuất nên cải tiến, tăng khổ đường sắt hiện nay. Quan điểm bộ trưởng thế nào?
- Dự án đường sắt cao tốc cũng đưa 4 phương án, trong đó có cả phương án mở rộng khổ đường sắt hiện nay. Song chúng ta hình dung, nếu bên cạnh tuyến đường 1 m hiện nay có thêm tuyến đường mới 1,4m thì hành lang đường sắt sẽ phải mở rộng thêm 20 m. Như vậy không khả thi, còn tốn kém hơn nữa.
- Những yếu tố rủi ro khi tàu chạy tốc độ 300km/h đã được Chính phủ tính toán như thế nào?
- Đường sắt cao tốc là dự án rất lớn, chúng ta phải tính toán tất cả yếu tố rủi ro. Nếu đạt yêu cầu về an toàn thì chúng ta mới làm.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt cao tốc là 1.570 km, bắt đầu từ Hà Nội đến ga cuối là Hòa Hưng (TP HCM), trong đó cầu cạn dài 1.043 km, cầu vượt sông và đường bộ là 46 km, hầm 117 km, còn lại là nền đường đào đắp dài 364 km chiếm 23%. Có tất cả 27 ga. Dự kiến thời gian chạy tàu từ Hà Nội - Hoà Hưng là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút với tàu thường đỗ ở tất cả các ga. Dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM và giai đoạn đến 2030 xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án khoảng 4.170 ha và 9.480 hộ cần tái định cư. |
Đoàn Loan ghi