Đồi Vọng Cảnh. |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2004 chính thức thông báo ý kiến của Chủ tịch, lúc đó là ông Nguyễn Văn Mễ, nhất trí xây dựng khách sạn Vọng Cảnh. 8 tháng sau, công ty liên doanh Vọng Cảnh được cấp quyết định đầu tư. Trước ý kiến lo ngại của dư luận về khả năng dự án phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, che khuất tầm nhìn khi khách sạn mọc lên, nhiều cơ quan như Sở Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư liên tiếp trấn an bằng những khẳng định về hiệu quả đầu tư của dự án.
Ông Tôn Thất Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, cho rằng, thông qua việc khai thác lợi thế sẵn có của vùng đất này, dự án du lịch Vọng Cảnh chính là cơ hội tốt để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong hoàn cảnh Huế đang rất “khát” dự án nước ngoài (10 nhà đầu tư tìm đến Huế, chỉ có khoảng 2–3 nhà trụ lại) thì dự án Vọng Cảnh là điều quá quý. “Dự án này hoàn toàn cần thiết phải làm. Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng bảo tồn có nghĩa là giữ nguyên không phát triển”, ông Bá khẳng định. Chung quan điểm với ông Bá là Phó Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thành, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Hữu Quyết.
Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Môi trường của Sở Tài nguyên, lại có ý kiến nên chuyển dự án sang nơi khác. Ý kiến này được ông Quyết cho là “không phải của lãnh đạo Sở” và từ chối bình luận về chuyên môn.
Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng: "Không nên làm". |
Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên chủ tịch UBND thành phố, quyết liệt phản đối dự án. Ông cho rằng, dự án này trái với quyết định về phê duyệt quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa và môi trường cảnh quan của chính UBND tỉnh: Tại đồi Vọng Cảnh thực hiện các dự án trồng cây, giải toả mồ mả để khai thác phong cảnh bảo vệ tiền án của các lăng, đồng thời nghiêm cấm việc thay đổi đề án quy hoạch đã được duyệt.
Bên cạnh đó, theo ông Tiến việc xây dựng khách sạn nằm ở vị trí phía trên, cách nhà máy nước Vạn Niên chỉ có 300 m là không được phép. “Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nguồn nước của hàng chục nghìn người dân Huế”. Ông khẳng định, cho đến nay dù chủ đầu tư chưa có phương án giải phóng mặt bằng, chưa có bản đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng cũng chưa được cấp nhưng dự án đã được khởi động. “Chúng tôi không đến dự lễ khởi công cũng chính là để bày tỏ quan điểm của mình với một dự án còn thiếu quá nhiều thủ tục”.
Trả lời câu hỏi của VnExpress về việc tại sao Sở Xây dựng không có ý kiến phản bác trước khi tỉnh cấp phép đầu tư, thậm chí còn cấp giấy chứng chỉ quy hoạch xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, ông Tiến phân trần: “Tỉnh lúc đó đã có chủ trương rồi, hơn nữa lúc đầu anh em cũng chưa thấy hết được vấn đề. Sau này cân nhắc nhiều yếu tố thấy không thể để như vậy được. Trong cuộc họp của Hội đồng kiến trúc quy hoạch của tỉnh, 100% ý kiến nhất trí đề nghị như vậy”.
Ông Ngô Xuân Hoa, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin, khẳng định, việc xây dựng bất cứ công trình nào ở đồi Vọng Cảnh cũng không phù hợp, việc cấp phép đầu tư khi chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hoá là vi phạm Luật Di sản. “Nếu tỉnh vẫn cứ làm, sẽ có một người chống, đó chính là lịch sử”, ông Hoa nói.
Cho tới nay, Bộ Văn hoá Thông tin, Hội Kiến trúc sư đều đã có văn bản đề nghị tỉnh cân nhắc xem xét thận trọng quyết định triển khai dự án. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/2 là thời hạn cuối cùng để UBND tỉnh báo cáo các vấn đề xung quanh dự án này.
Nằm cạnh quần thể di tích lịch sử văn hoá như Lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, bao quát toàn bộ khu vực Tây Nam cố đô Huế, đồi Vọng Cảnh được nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân phong là báu vật của thiên nhiên ban tặng.
Khu du lịch Vọng Cảnh được xây dựng trên diện tích 7ha bao gồm cả đồi Vọng Cảnh. Diện tích xây dựng khách sạn chiếm khoảng 20% dự án với 2 đơn nguyên gồm 100 phòng. Khách sạn được xây dựng bên sườn đồi phía sát bờ sông Hương. Hai đơn nguyên này được thiết kế tạo dáng giống như đoàn tàu lửa chạy dọc bờ sông. Ngoài ra, trong khu vực đồi Vọng Cảnh sẽ có một số hạng mục khác như nhà hồ bơi, nhà hàng, quầy bar và các khối nhà phụ trợ. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4,9 triệu USD. Công ty du lịch Hương Giang (góp 30% vốn) và đối tác Vietnam Hotel Projeckt B.V Hà Lan liên doanh làm chủ đầu tư. |
Phạm Hiếu