Công trình đường dây và trạm biến áp 110kV Tân Kỳ được đầu tư hơn 180 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức, do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 11/2021, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 5/2022.
Quy mô xây dựng gồm trạm biến áp 110kV đặt tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ và đường dây dẫn 110kV dài khoảng 26 km từ trạm 220kV Đô Lương đi qua các xã Xuân Sơn, Lạc Sơn, Thịnh Sơn, Văn Sơn, Đông Sơn, Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương) về Tân Kỳ.
Nhà chức trách kỳ vọng dự án đáp ứng nhu cầu cấp điện phụ tải cho huyện Tân Kỳ, giảm tổn thất điện năng, giảm tải cho hai trạm biến áp ở huyện Đô Lương và huyện Nghĩa Đàn, từ đó tạo điều kiện vận hành điện an toàn, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An.
Năm 2022, trạm biến áp ở xã Kỳ Tân, Tân Kỳ đã xây dựng xong trên diện tích đất hơn 1.000 m2. Riêng các cột điện đi qua huyện Đô Lương chưa thể xây lắp hoặc nối dây. Đại diện hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Đô Lương cho hay do một số cột điện ảnh hưởng đến đất rừng và chưa được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết chuyển đội mục đích sử dụng đất.
Huyện Đô Lương nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ theo quy hoạch để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhưng đến nay chưa làm xong.
Hiện cổng trạm biến áp ở huyện Tân Kỳ khóa kín cổng, phía ngoài gạch vữa vương vãi, bên trong khuôn viên cỏ mọc um tùm. Hệ thống lưới điện hạ áp sau trạm đã được bố trí, nhưng phải chờ xong dự án mới có thể đóng điện. Đoạn qua huyện Đô Lương, một số cột điện đã được dựng nhưng chưa thể kéo dây.
Ông Nguyễn Thành, 62 tuổi, trú xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, cho biết địa bàn nằm ở cuối nguồn, vì thế thường xuyên chịu cảnh yếu điện, nhiều lúc vào giờ cao điểm buổi tối không thể sử dụng điều hòa hay quạt hơi nước. "Rất mong đường dây được đấu nối để chúng tôi thoát khỏi cảnh điện phập phù", ông Thành nói.
Ông Phan Văn Giáp, Chủ tịch huyện Tân Kỳ, cho biết huyện chưa có trạm biến áp 110kV, thường "dùng ké" của các nơi khác. Vì thế dự án là niềm mong mỏi của chính quyền và người dân để khắc phục tình trạng yếu điện ở các xã vùng sâu, ngoài ra còn là động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
"Doanh nghiệp khi ý định đầu tư thì điều đầu tiên quan tâm là hạ tầng giao thông, tiếp đó là hệ thống điện. Dự án điện đình trệ phần nào khiến họ e dè, không mặn mà triển khai các dự án dù đã ấp ủ kế hoạch", ông Giáp nói.
Theo đại diện Điện lực tỉnh Nghệ An, tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc với huyện Đô Lương về công tác giải phóng mặt bằng để làm cột đấu nối đường dây. Hiện nay các bên cơ bản đã tháo gỡ được vướng mắc, thời gian tới sẽ triển khai.