![]() |
Một góc phố cổ Hà Nội. |
Theo quy hoạch của UBND thành phố, đầu năm 2002, dự án sẽ khởi công. Bước đầu, 6-7 nghìn dân sẽ di dời tới khu đô thị mới rộng 28 ha thuộc xã Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là khu đô thị mới hiện đại, đầy đủ tiện nghi, nhưng vẫn kế thừa các đặc trưng văn hoá phố cổ. Trục chính là đường Ngô Gia Tự được mở rộng với mặt cắt 50 m. Chỉ có 8 ha dùng cho đất ở, còn lại dùng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.
3 phương án chi tiết kiến trúc được đề ra, nhưng đến nay vẫn chưa chính thức chọn phương án nào. Khu nhà ở cho người ít tiền và có tiền được bố trí cùng nhau hay cách ly; khu cao tầng ở sát đường Ngô Gia Tự hay lùi vào bên trong... đều chưa được định hình một cách cụ thể. Thêm nữa, việc thành lập các tuyến phố thương mại, hệ thống cửa hàng và khu tiểu thủ công nghiệp dành cho nghề truyền thống cũng chưa được đề cập chi tiết.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam, bày tỏ quan điểm: "Điều tôi quan tâm trước hết, hiện nay, chưa phải là khu đô thị mới được xây dựng như thế nào mà là người dân khu vực phố cổ khi di dời sẽ được hưởng quyền lợi gì, làm ăn sinh sống ra sao? Dự án dãn dân phố cổ chưa được làm kỹ, do đó sự lúng túng thiếu cụ thể về mặt kiến trúc đô thị là điều dễ hiểu".
Bà Tô Thị Toàn, Trưởng ban Quản lý phố cổ, đồng tình: "Theo điều tra của chúng tôi, gần 100% dân ở khu vực phố cổ không muốn di dời vì chẳng biết sang khu đô thị mới họ sẽ làm ăn buôn bán như thế nào".
Theo ý kiến của các ngành chức năng, phải tiến hành đồng thời việc hoàn thiện dự án khu vực phố cổ và đề ra chính sách, chế độ thoả đáng cho người dân. Đối tượng cần khuyến khích di dời là cán bộ công nhân viên nhà nước (ít nhu cầu về kinh doanh) và dân nghèo không có nhà mặt đường. Bên cạnh đó, cần cưỡng chế người lấn chiếm đất công, đền, chùa. Tuy nhiên, cho dù người rời khỏi khu vực phố cổ là đối tượng nào, thì giá nhà đất cũng không thể quá đắt, để có thể tạo điều kiện cho họ đến nơi ở mới một cách thuận lợi nhất.
(Theo Tiền Phong)