Những dự án này đều do các giảng viên, sinh viên nghiên cứu và phát triển, bao gồm Hệ thống máy bay không người lái phục vụ phát hiện hư hỏng đường bộ sau lũ quét; Phát triển kiến trúc Internet vạn vật (IoT) trên nền 5G; Điện toán biên cho Internet of Things; và Giải pháp chăm sóc sức khỏe bằng Internet of Medical Things kết hợp trí tuệ nhân tạo.
Đại diện Qualcomm cho biết việc đầu tư 100.000 USD là nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Việt Nam, phục vụ nghiên cứu, quản lý và các hoạt động liên quan của bốn dự án nói trên.
Trong bốn dự án, hệ thống máy bay không người lái (UAV) sẽ tạo ra sản phẩm thực tế, giúp giám sát thiệt hại sau lũ, xây dựng bản đồ số để theo dõi hiện trạng của các con đường bị hư hỏng. UAV sử dụng công nghệ như thị giác máy tính, bản đồ số và GPS.
Ba dự án còn lại thiên về nghiên cứu. Khi thành công, chúng sẽ là cơ sở để các nhóm xuất bản các bài báo trên những tạp chí khoa học quốc tế như Scopus, ISI, tạp chí khoa học quốc gia và tham dự các hội thảo trong nước cũng như thế giới.
Theo Tiến sĩ Trần Mỹ An, Phó chủ tịch Qualcomm Licensing Technologies, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện thoại đám mây và các ứng dụng đa dạng của IoT. "Việc tạo điều kiện cho các ý tưởng công nghệ đổi mới sẽ thể hiện sức mạnh và sự sáng tạo của đội ngũ công nghệ Việt Nam", bà nói.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Công, Vụ Trưởng Khoa học Công nghệ - Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: "Các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành thông tin và truyền thông nói riêng, của Việt Nam nói chung sẽ góp phần đưa đất nước trở thành cường quốc công nghệ số trong khu vực".
Lưu Quý