Quốc lộ 1 qua Cai Lậy, Tiền Giang là tuyến giao thông "xương sống", nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM nhưng thường xuyên kẹt xe những ngày lễ, Tết. Tỉnh Tiền Giang đã đề nghị làm tuyến tránh qua đoạn đường này.
Năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải lập dự án đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) và được Chính phủ đồng ý.
Đến tháng 9/2013, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) ký quyết định công bố dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT dài 12 km, tổng kinh phí 1.700 tỷ đồng.
Ba tháng sau, theo tờ trình của Tổng cục Đường Bộ, ông Thể ký tiếp quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh và thay đổi tên "Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang" thành "Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT".
Sau khi làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bộ đã báo cáo và được Chính phủ cho chỉ định thầu. Liên doanh nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1.
Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần bảo trì, tăng cường Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu.
Năm 2014, dự án được khởi công, theo thiết kế trạm thu phí đặt trên quốc lộ, cách vị trí hiện nay 600 m về hướng Vĩnh Long. Tuy nhiên năm 2015, khi dự án sắp hoàn thành, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (liên doanh đầu tư, quản lý và khai thác dự án) xin điều chỉnh vị trí trạm, với lý giải do chỗ cũ dân đông, đất thổ cư nhiều và chưa thống nhất khiếu nại đền bù. Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang và UBND huyện Cai Lậy đã đồng ý.
Sau 3 năm thi công, dự án được hoàn thành. Ngày 31/7, chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT Cai Lậy công bố dự án, hôm sau thu phí với mức vé từ 35.000-180.000 đồng, thời gian thu 6 năm 5 tháng. Trong ngày đầu tiên thu phí, tại trạm đã xảy ra ùn ứ do lưu lượng xe cộ trên quốc lộ đông.
14 ngày liên tiếp sau đó, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý. Họ lý giải mỗi năm nhà xe đã đóng phí bảo trì đường bộ, yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Tình trạng này khiến giao thông liên tục xảy ra ùn tắc, buộc trạm phải xả cửa. Bộ Giao thông Vận tải sau đó đồng ý giảm giá vé theo đề xuất của tỉnh Tiền Giang, chứ không dời trạm theo yêu cầu của tài xế.
Tuy nhiên, các tài xế vẫn không đồng tình cách giải quyết này. "Mong muốn chính của chúng tôi là trạm di dời vào đường tránh, chứ không phải giảm giá vé. Chúng tôi sẽ đấu tranh tiếp, dứt khoát giảm giá vé còn một đồng cũng không chấp nhận", tài xế Trần Thanh Đức (quê Tiền Giang), người đã nhiều lần dùng tiền lẻ qua trạm thu phí Cai Lậy, nói.
Ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tiền Giang cho rằng biết quá ít thông tin về dự án, vì trước một ngày thu phí, chủ đầu tư mới họp công bố dự án. "Thời gian quá ngắn, không đủ thông tin cho người dân mà cụ thể là các tài xế biết", ông Nguyện nói, và cho biết lẽ ra với những dự án tương tự nên khảo sát ý kiến của người dân và đánh giá tình hình có thể xảy ra.
Ngoài ra, theo phê duyệt ban đầu, tuyến tránh có 7 cầu, nhưng khi dự án hoàn thành, chỉ còn có 5 cầu. "Vậy chi phí 1.000 tỷ giảm xuống bao nhiêu? Từ đó, phải điều chỉnh tiền thu, thời gian thu phí", đại diện Hiệp hội Vận tải đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, quá trình giải phóng mặt bằng địa phương đã đề xuất chuyển đổi hai cầu thành cống. Việc điều chỉnh này được Bộ GTVT chấp thuận.
Về quyết định thay đổi tên dự án, thêm phần sửa chữa quốc lộ, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từ chối trả lời vì không còn làm ở Bộ, cho rằng mọi thông tin nằm ở Bộ GTVT.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, năm 2013 Quốc lộ 1 xuống cấp và ùn tắc nên Bộ lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và cải tạo Quốc lộ 1. Hạng mục tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 được nâng cấp "đúng nghĩa là thảm mặt đường, xây dựng cầu chứ không chỉ vá lại đường".
Về vị trí đặt trạm thu phí nằm trên Quốc lộ 1, ông cho rằng đã được nghiên cứu kỹ, căn cứ vào phương án tài chính được chủ đầu tư lập, có lấy ý kiến các cơ quan, HĐND, đại biểu Quốc hội. Còn việc thay thế cầu bằng cống là yếu tố kỹ thuật, giảm chi phí bao nhiêu Bộ sẽ xem lại nhưng chắc chắn không tác động nhiều, không thay đổi thời gian thu phí.
Ông Đông khẳng định vị trí đặt trạm nằm trên dự án nên không có lý do gì phải thay đổi, còn kiến nghị của người dân địa phương thì sẽ dần được xử lý. Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. "Dự án này không ai được tất cả mà phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân", ông Đông nói.
Trạm BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1, hoạt động từ ngày 1/8. Sau một tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng khi qua trạm nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư. Đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH BOT đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để "dặm vá ổ gà". Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện, bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn. Mức phí ở trạm thu cao hơn cao tốc Trung Lương vì thời gian thu ngắn hơn, chỉ hơn 6 năm so với trên 20 năm. Ngày 16/8, Bộ Giao thông đã quyết định giảm mức phí lượt của các phương tiện qua trạm thấp nhất là 25.000 đồng, cao nhất là 160.000 đồng và miễn phí cho các xã nằm gần trạm thu phí, thực hiện từ 21/8. |
Hoàng Nam