Sự bền vững của Việt Nam là bức tranh toàn cảnh được ghép nên từ cuộc sống bền vững của gần 88 triệu con người đang sinh sống trong hàng nghìn cộng đồng làng xã tại 63 tỉnh thành. Mỗi mảnh ghép đó sẽ có những vấn đề cần giải quyết riêng. Những ý tưởng và đề xuất hợp lòng dân từ cộng đồng sẽ tác động lên ý thức và kêu gọi sự góp sức của tất cả mọi người để cùng hướng tới mục tiêu cải thiện cuộc sống, vì sự phát triển bền vững.
![]() |
Hàng chục năm nay, gần 15.000 người dân tại làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nặng nề từ bãi rác chung của cả làng. Nhiều người cho biết, những dòng nước thải đỏ ngầu từ các cơ sở sản xuất không qua xử lý được xả thẳng ra các kênh mương của làng. Phong Khê thường sống trong cảnh rác ngập từ đầu làng đến cuối xóm do người dân đổ tràn lan dọc khắp các tuyến đường thôn xã. Ngoài ra, hàng trăm ống khói thi nhau ngày đêm nhả khói khiến không gian cả làng đặc quánh mùi hôi thối và khét lẹt.
Không sống trong môi trường ô nhiễm như tại Phong Khê, nhiều vùng quê tại Việt Nam lại phải đối mặt với tình trạng “khát” nước sạch trầm trọng. Ví dụ, người dân xã Co Mạ tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vẫn hàng ngày lấy nước từ các mó nước hoặc con suối nhỏ đục ngầu và nhiều cặn bẩn. Nước bẩn có thể giúp họ duy trì cuộc sống, nhưng đó là sống mòn khi bệnh tật và nghèo đói cứ luẩn quẩn từ hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Không xa xôi như Co Mạ, chỉ cách Hà Nội hơn 30 cây số, xã Cao Dương huyện Thanh Oai hiện cũng chưa có hệ thống cấp nước sạch. Các hộ gia đình ở đây vẫn sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ nước mưa và nước giếng khoan… bị nhiễm asen nặng. “Chúng tôi đã sống chung với nguồn nước nhiễm asen gần cả cuộc đời, và cũng đã mang đủ các loại bệnh tật. Thôi thì trời đã bắt vậy nên phải chịu. Nhưng còn những đứa trẻ đang lớn lên trong làng, nhìn thấy trước những bệnh tật đang rình rập chúng mà chúng tôi chẳng làm được gì, chẳng lẽ lại phải tha hương để được sống khỏe mạnh”, một người dân trong làng buồn rầu nói.
Cuối tháng 11, quỹ Unilever Việt Nam (UVF) đã trao tổng số tiền tài trợ lên đến 3,35 tỷ đồng cho 14 dự án vệ sinh và sức khỏe cộng đồng trong chương trình tài trợ thường niên năm 2012. Trong đó, các dự án nâng cao chất lượng nguồn nước bằng cây chùm ngây cho người dân xã Co Mạ; cải thiện môi trường tại làng giấy Phong Khê bằng việc thu gom, xử lý và tái sử dụng rác nilon; xử lý nguồn nước nhiễm Asen phục vụ cấp nước sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe trẻ em tại trường mầm non xã Cao Dương đã được đánh giá cao về sự sáng tạo và ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, góp phần mang lại cuộc sống mới cho hàng nghìn người dân địa phương.
Từ năm 2004, chương trình tài trợ thường niên nói trên đã chắp cánh cho rất nhiều ý tưởng dự án từ cộng đồng được trở thành hiện thực để quay trở lại phục vụ chính cộng đồng nơi mình đang sinh sống. Nằm trong chuỗi những hoạt động hướng tới kế hoạch phát triển bền vững đã được Unilever phát động tại Việt Nam từ tháng 9/2011, chương trình tài trợ này là một phần không thể thiếu trong những nỗ lực của Unilever nhằm đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2020 là cải thiện cuộc sống của 20 triệu người dân Việt Nam bằng cách nâng cao điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người; giảm thiểu tác động từ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đến môi trường, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân Việt Nam.
Sau một năm triển khai, Unilever Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trên toàn thể 3 lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch, trong đó nổi bật là 17,5 triệu người được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp thông qua các chiến dịch giáo dục và thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh; tiết kiệm thêm hàng triệu m3 nước từ việc sử dụng Comfort một lần xả; nhà máy sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường thay cho dầu Diesel. Ngoài ra, 10.000 hộ gia đình đã được tiếp cận nguồn vốn vay tài chính vi mô với tổng ngân sách lên đến 50 tỷ đồng.
(Nguồn: Unilever Việt Nam)