Steven Desch, nhà vật lý tại Đại học Arizona, Mỹ, và cộng sự đưa ra ý tưởng sử dụng 10 triệu máy bơm khổng lồ hoạt động bằng năng lượng gió để đưa nước ở độ sâu 1,3 mét bên dưới lớp băng Băc Cực lên bề mặt trong suốt mùa đông. Nhiệt độ lạnh khiến nước đóng băng và làm dày chỏm băng, theo Nature World News.
Các máy bơm sẽ được lắp đặt trên 10% diện tích khu vực. Theo tính toán, chúng có thể làm tăng độ dày lớp băng lên 1 m sau mỗi thập kỷ, giúp Bắc Cực tránh khỏi những tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Chi phí dự án ước tính khoảng 500 tỷ USD.
Giới khoa học cho rằng, Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP21 diễn ra tại Paris, Pháp, vào năm 2015 không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Bắc Cực. Họ đang tích cực tìm kiếm giải pháp mới để ngăn ngừa băng tan, thay vì tập trung vào việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
"Chiến lược chủ yếu của chúng ta hiện nay là hạn chế đốt nhiên liệu hóa thạch. Đó là một ý tưởng tốt, nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn như vậy để ngăn ngừa băng trên biển ở Bắc Cực biến mất", Desch cho biết.
Theo Science Alert, đây không phải đề xuất đầu tiên của các nhà khoa học nhằm ngăn chặn hiện tượng băng tan ở Bắc Cực. Một số đề xuất khác bao gồm việc rải sol khí (aerosol) lên phía trên lớp băng để làm chệch hướng bức xạ Mặt Trời, hoặc sử dụng những đám mây nhân tạo hạn chế lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống mặt đất.
Tuy nhiên, một chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu cho rằng đề xuất của Desch và cộng sự sẽ không khả thi.
"Nồng độ CO2 trong khí quyển không ngừng tăng lên khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Sức nóng dư thừa ở các khu vực có vĩ độ thấp hơn được vận chuyển đến Bắc Cực thông qua hoàn lưu khí quyển và đại dương. Điều này chống lại những nỗ lực phát triển băng ở Bắc Cực", Julienne Stroeve, giáo sư tại Đại học London, Anh, nói.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu không có các biện pháp hạn chế lượng khí thải CO2, băng trên biển Bắc Cực vào mùa hè sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2030.
Lê Hùng