Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 170/2024 về cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Theo đó, 64 dự án và 1.313 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, sẽ được tháo gỡ. Các dự án này sai phạm do lỗi của cơ quan quản lý nhà ở và đã hoàn tất xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.
TP HCM có 4 dự án, khu đất được tháo gỡ. Trong số này có Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, rộng hơn 6.200 m2, do Công ty Đầu tư và phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư.

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM. Ảnh: Novaland
Theo kết luận của cơ quan thanh tra, quá trình giao đất cho khu đất này có sai phạm. Trên khu đất này, chủ đầu tư đã xây dựng khu tổ hợp căn hộ cao cấp, thương mại dịch vụ và văn phòng. Các căn hộ đã bàn giao 6 năm, nhưng cư dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Khu đất này có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, do Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý. Năm 2010, UBND TP HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho công ty Phú Việt Tín (do hai công ty cao su trên góp vốn thành lập) đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Đến năm 2014, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai sở hữu khu đất này sau thương vụ sở hữu 99,5% cổ phần tại công ty Phú Việt Tín.
Theo kết luận thanh tra, UBND TP HCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Chủ đầu tư trước đó của dự án là Công ty Phú Việt Tín (hiện đã hợp nhất với công ty bất động sản Nova Phúc Nguyên) không lập dự án đầu tư tại khu đất này là vi phạm quy định pháp luật.
Ngoài dự án trên, 3 dự án còn lại của thành phố nằm trong danh sách được chỉ đạo gỡ vướng sau kết luận thanh tra gồm: dự án 1.330 căn hộ thuộc khu đất 38,4 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức; Khu đất 30,2 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức và Khu đất 30 ha Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, TP Thủ Đức.
Với 1.330 căn hộ thuộc khu đất 38,4 ha phường Bình Khánh, dự án này sẽ được gỡ vướng về giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong đó, phần diện tích đất tương đương với tiền nhà đầu tư đã tạm nộp, thời điểm xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất tính từ lúc thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư (30/3/2018). Với phần diện tích đất chưa nộp tiền sử dụng đất, thời điểm xác định giá đất là từ khi có quyết định giao đất (11/12/2020).
Về hai khu đất 30,2 ha phường Bình Khánh và khu đất 30 ha Nam Rạch Chiếc, phần diện tích đất hoán đổi tương ứng với số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra. Thời điểm tính tiền sử dụng đất là khi hoàn thành việc thu hồi, bồi thường đất (20/11/2008). Với phần chưa nộp tiền sử dụng đất, thời điểm xác định giá đất là 18/4/2017, khi ban hành quyết định giao đất.
Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2025.
Từ năm 2022 đến nay, TP HCM đã có hàng chục dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm. Các dự án được chia thành 3 nhóm gồm: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý và nhà ở thương mại bị rà soát, thanh tra, kiểm tra.
Giới chuyên gia dự đoán sau khi những vướng mắc về pháp lý được gỡ bỏ, thị trường sẽ xuất hiện nhiều hơn những thương vụ hợp tác để cùng nhau hồi sinh dự án cũ. Việc này sẽ làm giàu hơn nguồn cung nhà ở của thành phố trong các năm tới, giúp giải cơn khát nhà ở đã đeo bám thành phố hơn 4 năm qua. Đây cũng được kỳ vọng là chìa khóa giúp điều tiết thị trường, kéo giảm đà tăng giá bất động sản.
Phương Uyên