Canon EOS 50D là một mẫu DSLR tầm trung, cao cấp hơn 450D hay 1000D nhưng dưới tầm 5D và 5D Mark II. Ảnh: Dpreview. |
Một điều khá đặc biệt khi nhìn vào Canon EOS 50D là ngoại hình của chiếc máy này gần như không có gì thay đổi so với 40D, cả mặt trước lẫn mặt sau. Đặt hai mẫu máy cạnh nhau, người dùng khó có thể phân biệt được đâu là 40D, đâu là 50D nếu không có nhãn mác. Một điểm khác nhau gần như là duy nhất nếu người dùng để ý sẽ thấy được là bánh xe chọn chế độ ở cạnh trên của 50D được mạ crom sáng bóng, còn ở 40D thì không.
Với cân nặng 730 gram không pin, không thẻ nhớ, Canon EOS 50D nhẹ hơn chút ít so với thế hệ trước của mình (40D nặng 740 gram). Mặc dù vậy, thân máy vẫn được thiết kế rất chắc chắn, với phần tay cầm bọc cao su khá lớn ở bên phía tay phải, mang lại cảm giác vừa an tâm, vừa thoải mái cho người dùng khi cầm máy. Cách bố trí các phím bấm cũng mang lại sự thuận tiện lớn cho người sử dụng. Đặc biệt, phím Direct Print dùng để đặt lệnh in trực tiếp khi kết nối máy ảnh với máy in còn có thêm một chức năng mới là bật/tắt tính năng ngắm ảnh sống Live View.
Cả mặt trước và mặt sau của 40D (trái) và 50D (phải) đều trông giống hệt nhau. Ảnh: Dpreview. |
Với màn hình rộng 3 inch, độ phân giải lên tới 920.000 điểm ảnh, giao diện người dùng của chiếc máy này trông thân thiện, dễ sử dụng hơn. So với 40D, 50D còn hơn ở chỗ được trang bị thêm một cổng kết nối HDMI, bên cạnh cổng USB thông thường. Chiếc DSLR tầm trung này cũng được trang bị cảm biến CMOS cỡ APS-C độ phân giải lên tới 15,1 Megapixel (trong khi 40D chỉ có độ phân giải 10,1 Megapixel) cùng bộ xử lý ảnh DIGIC IV (so với DIGIC III của 40D).
Cần nói thêm về màn hình của Canon EOS 50D. Với độ phân giải lên tới 920.000 pixel, nó có thể hiển thị hình ảnh với màu sắc chuẩn xác và chi tiết, nhưng cũng có mặt trái là đôi khi xem ảnh trên camera sẽ thấy đẹp hơn so với khi xem lại trên máy tính. Được bao phủ bởi một lớp màng chống lóa, màn hình của Canon EOS 50D cho phép người dùng nhìn rõ những gì đang hiển thị ngay cả trong những môi trường có nhiều ánh sáng.
Màn hình của Canon EOS 50D có độ phân giải lên tới 920.000 pixel. Ảnh: Dpreview. |
Chế độ chụp tự động mang tên Creative Auto là một sự bổ sung mà Canon dành cho 50D, và trên thực tế, hiệu quả mà tính năng này mang lại khá cao. Người dùng chỉ việc điều chỉnh độ sáng và chọn kiểu hậu cảnh là rõ hay mờ, máy sẽ tự động làm tất cả mọi việc còn lại để có được một bức ảnh chất lượng cao. Đây là một tính năng khá mới mẻ đối với một mẫu DSLR được xếp vào tầm bán chuyên như Canon EOS 50D.
Tính năng ngắm ảnh sống Live View cũng được Canon nâng lên một bậc so với ở 40D. Việc lấy nét tự động trở nên dễ dàng hơn, và công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng hoạt động rất tốt trong những điều kiện chụp thiếu sáng. Tuy nhiên, Canon EOS 50D chỉ cho phép người dùng ngắm qua màn hình ở chế độ chụp thủ công, còn ở chế độ chụp tự động và các chế độ mặc định như chụp chân dung, chụp macro, người dùng buộc phải sử dụng kính ngắm.
Máy có hai chế độ chụp ảnh RAW độ phân giải thấp mang tên sRAW1 và sRAW2, có thể làm hài lòng những tay máy chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc không được trang bị tính năng quay video giống như ở đối thủ cạnh tranh trực tiếp Nikon D90 có thể khiến Canon EOS 50D mất điểm trong mắt những người dùng nghiệp dư.
Canon EOS 50D được trang bị cổng HDMI. Ảnh: Dpreview. |
Tốc độ hoạt động của Canon EOS 50D gây nhiều ngạc nhiên cho người dùng, bởi nó không nhanh hơn nhiều lắm so với 40D, mà ngược lại còn chậm hơn ở một số tiêu chí.
Tốc độ khởi động của máy khá nhanh, nhưng tốc độ chụp liên tiếp chỉ dừng ở mức 6,3 khung hình/giây, trong khi của 40D là 6,5 khung hình/giây. Điều này được lý giải là do độ phân giải của những bức ảnh chụp bằng 50D lớn hơn so với ở 40D, nên máy mất nhiều thời gian xử lý hơn. Tuy nhiên, chế độ chụp liên tiếp của 50D chỉ hỗ trợ định dạng ảnh JPEG, không hỗ trợ ảnh RAW. Mỗi lần bấm máy có thể chụp được tối đa 60 bức ảnh.
Tốc độ hoạt động của Canon EOS 50D ngang ngửa với 40D. Ảnh: Dpreview. |
Khi sử dụng máy với ống kính EF-S 18-200mm f3.5-5.6 IS, chất lượng ảnh thu được mang lại cho người dùng nhiều cảm nhận khác nhau. Đầu tiên, ở những điều kiện ánh sáng không thuận lợi, đèn flash gắn sẵn trên máy hoạt động không hiệu quả, tạo bóng và làm xấu bức ảnh. Người dùng có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách đầu tư thêm một chiếc đèn ngoài.
Nếu sử dụng ống kính ở mức zoom xa nhất, ảnh thu về sẽ có những méo dạng nhỏ ở các mép, nhưng so với những ống kính khác cùng tầm thì như vậy vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, hệ thống chống rung tích hợp trên ống kính không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả. Chụp trong những điều kiện thiếu sáng, không dùng đèn flash nhưng chỉnh ISO cao ở mức 1.600 trở lên, ảnh thu về bị mờ.
Nói về độ nhạy sáng, chiếc máy này có thể chụp được những bức ảnh khá nhiều chi tiết ở ISO 1.600. Tuy hỗ trợ mức ISO tối đa lên tới 12.800, nhưng ảnh chụp được bị nhiễu khá nặng, người dùng chỉ nên sử dụng chế độ này nếu thấy thật sự cần thiết. So với 40D, khả năng lấy nét tự động của 50D đã được cải thiện nhiều, nhờ được thừa hưởng nhiều tính năng tiên tiến từ model đời cao 1D Mark III.
Cảm biến cỡ APS-C của Canon EOS 50D có độ phân giải 15,1 Megapixel cho hình ảnh khá đẹp. Ảnh: Letsgodigital. |
Tóm lại, với những nâng cấp mà Canon đã tiến hành đối với 50D, người tiêu dùng sau khi dùng thử sản phẩm này sẽ khó mà quay lại với 40D, bởi chiếc máy mới có nhiều tính năng hấp dẫn hơn hẳn. Giá bán của chiếc máy này tại Việt Nam hiện nay là 1.280 USD dành cho thân máy. Nếu mua kèm ống kính EF-S 17-85mm f4-5.6 IS USM, máy sẽ có giá 1.620 USD, còn với ống kính EF-S 18-200mm f3.5-5.6 IS sẽ là 1.900 USD.
Các tin liên quan |
* Canon EOS 5D Mark II trình làng * Canon trình làng EOS 50D * Canon EOS 1000D cho người dùng phổ thông |
Bạch Dương (theo Cnet)