Khi ấy, Houston 24 tuổi. Một trong những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quyền lực nhất Thung lũng Silicon - Y Combinator sẵn sàng đánh bạc với ý tưởng của Houston về Dropbox. Tuy nhiên, họ muốn anh tìm thêm một người đồng hành. Họ cho rằng các công ty mới sẽ có khả năng thành công cao hơn nếu có hơn một nhà sáng lập, thêm người để ra quyết định và chia sẻ sức ép công việc.
Vấn đề của Houston khi đó là vì nhiều lý do, chẳng ai trong số bạn bè của Houston có thể gia nhập cùng anh. Vì thế, anh chỉ có 2 tuần để một người hoàn toàn xa lạ đến hợp tác.
“Nó như thể bạn nhận được email mời nhập học từ ngôi trường mình mong muốn, nhưng hạn chót nộp hồ sơ chỉ trong vài tuần, và bạn cần kết hôn ngay trong thời gian đó, chứ không chỉ là tìm bạn gái”, anh nói.
Houston nhanh chóng sắp xếp các cuộc gặp gỡ. Và chỉ sau một cuộc nói chuyện kéo dài 2 giờ, anh đã thuyết phục được Arash Ferdowsi - một sinh viên 22 tuổi cùng trường - bỏ học để làm cùng mình. Ferdowsi là bạn của một người bạn Houston, nhưng họ chưa bao giờ gặp nhau trước đó.
Đó là chuyện xảy ra cách đây 11 năm. Giờ đây, Dropbox đã được định giá hơn 12 tỷ USD. Tài sản của Houston vào khoảng 3 tỷ USD, còn Ferdowsi là 1,3 tỷ USD.
Đây là thành quả không tệ với một công ty từng bị nhiều người cho rằng sẽ không bao giờ thành công. Houston đã nảy ra ý tưởng về Dropbox khi đang đi trên một chuyến bus giữa Boston và New York cuối năm 2006.
Khi đó, Houston đã tốt nghiệp ngành khoa học máy tính Học viện Công nghệ Massachusetts và đang nghiên cứu vài ý tưởng kinh doanh khác. Nhưng khi bắt đầu làm, anh lại phát hiện ra mình để quên thẻ nhớ chứa toàn bộ dữ liệu ở chỗ khác.
“Tôi rất bực mình, vì cảm thấy chuyện này cứ xảy ra suốt”, anh nhớ lại, “Tôi không muốn nó lặp lại nữa, và bắt đầu viết vài dòng code. Chỉ để tìm ra một giải pháp thôi. Khi ấy, tôi chưa có ý tưởng nó sẽ trở thành cái gì”.
Sau này, Houston phát triển nó thành Dropbox - dịch vụ lưu trữ dữ liệu, giúp mọi người truy cập từ xa bất cứ khi nào họ cần. Chỉ trong 2 tuần, anh đã tạo ra bản mẫu, và nghĩ ra tên.
Vài tháng sau đó, Dropbox thu hút sự chú ý của Y Combinator và Houston gặp Ferdowsi. “Chúng tôi gặp nhau tại trung tâm cho sinh viên trong một hay hai giờ, rồi Arash quyết định bỏ học vào tuần sau đó. Việc này thật điên rồ. Tôi chắc chắn cha mẹ cậu ấy có kế hoạch khác cho cậu rồi. Một trong số đó là học xong Đại học. Nhưng cậu ấy rất hào hứng với ý tưởng của tôi”, Houston cho biết.
Năm 2008, Dropbox ra đời. Để thu hút khách hàng, ban đầu, họ làm video quảng cáo đăng trên các diễn đàn như Reddit hay Slashdot. Mục tiêu là những người có tầm ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ sẽ sử dụng dịch vụ và nhận xét tốt cho họ. Người dùng theo đó cũng sẽ tăng lên nhờ hiệu quả truyền miệng.
Chiến lược này đã có tác dụng. Chỉ trong vài ngày, họ có tới 75.000 người dùng đăng ký. Con số này nhanh chóng tăng từ 100.000 lên 200.000 “trong khoảng 10 ngày”. Người dùng còn tăng mạnh hơn khi nhóm của Houston áp dụng chính sách tặng thêm dung lượng lưu trữ cho người dùng nếu họ mời được bạn bè đăng ký mới.
Số tài khoản vì thế tăng tới hàng triệu. CEO quá cố của Apple - Steve Jobs từng đề nghị mua Dropbox năm 2011, nhưng không thành công. Cuối năm đó, Apple ra mắt iCloud, nhưng vẫn không chặn được đà tăng trưởng của Dropbox.
Ngày nay, họ có hơn 500 triệu người dùng đăng ký. Trong đó có 11,5 triệu người trả phí thường niên để có thêm dung lượng lưu trữ. Nhóm này có hơn 300.000 khách hàng doanh nghiệp.
Đầu năm nay, Dropbox niêm yết trên sàn Nasdaq. Vốn hóa của họ hiện là hơn 12 tỷ USD. Doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ USD và số nhân viên hơn 2.000 người.
Ben Wood - nhà phân tích công nghệ tại CCS Insight cho rằng có nhiều lý do đằng sau thành công của Dropbox, như dễ dùng. “Điều rất quan trọng là nó cho phép mọi người dễ dàng lưu trữ và chia sẻ ảnh, video, các file lớn mà server email không thể chứa”, ông nói.
Ferdowsi hiện vẫn làm trong nhóm lãnh đạo cấp cao của công ty, còn Houston là CEO. Ông cho biết nhiệm vụ chính của mình là đảm bảo các nhân viên bước qua thành công của IPO để “tập trung vào lý do chính chúng tôi có mặt ở đây - giúp khách hàng cảm thấy vui vẻ”.
Hà Thu (theo BBC)