Giới chức Ukraine mới đây cho biết đã phát triển một loại đầu nổ xuyên tự định hình (EFP) có thể tích hợp với thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ góc nhìn thứ nhất (drone FPV). EFP là vũ khí ứng dụng nguyên lý nổ lõm, gồm một đoạn ống kim loại cỡ lớn được hàn kín một đầu và nhồi đầy thuốc nổ. Đầu ống còn lại hướng về mục tiêu, được lắp một đĩa kim loại lõm, thường làm từ thép hoặc đồng.
Khi drone gắn đầu nổ này lao vào thiết giáp, khối thuốc nổ sẽ kích hoạt, biến đĩa kim loại lõm phía trước thành một đầu đạn lao đi với tốc độ khoảng 6.500 km/h, đủ sức xuyên phá lớp giáp của các phương tiện quân sự bọc thép, như thiết giáp chở quân, xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành.
Trong chiến dịch tấn công của Mỹ tại Iraq năm 2003, EFP được ghi nhận là loại chất nổ tự chế gây thiệt hại lớn nhất cho quân đội Mỹ.
Chuyên gia quân sự David Hambling của Forbes cho biết EFP có khoảng cách sát thương xa hơn nhiều so với loại đầu đạn chống tăng nổ lõm hiện nay trên drone FPV, giúp tổ vận hành Ukraine có thể tăng hiệu quả tập kích mục tiêu. "EFP còn có khả năng xuyên qua giáp lồng hoặc lưới thép thường được dùng để bảo vệ phương tiện chiến đấu khỏi drone", ông cho hay.
Drone là một trong những vũ khí chủ đạo hiện nay trên chiến trường Ukraine. Chúng có thể được sử dụng cho nhiệm vụ tấn công tự sát vào xe tăng, thiết giáp có giá trị cao gấp hàng nghìn lần, hoặc dùng làm phương tiện trinh sát để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh và quan sát hoạt động di chuyển của đối phương.
Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov, người đừng đầu chương trình drone của Kiev, tháng 12/2023 nhận định khí tài này "đôi khi hoạt động hiệu quả hơn pháo binh".
Tuy nhiên, drone thường giảm hiệu quả tập kích khi xe tăng, xe bọc thép đối phương gắn giáp lồng hoặc lưới thép, khiến nó không áp sát đủ gần để tiêu diệt mục tiêu.
Ngoài EFP, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy lực lượng Ukraine gần đây bắt đầu sử dụng mìn định hướng dạng Claymore làm đầu đạn cho drone FPV, giúp tăng hiệu quả tập kích khi nhắm mục tiêu vào bộ binh, vốn được coi là mục tiêu "khó nhằn" với drone FPV dùng đạn RPG truyền thống.
Kiev cũng đang đẩy mạnh dây chuyền sản xuất drone. Nước này hiện đạt sản lượng 150.000 chiếc một tháng và có thể chế tạo được hai triệu drone trong năm nay, theo Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Hanna Hvozdyar.
Trong bối cảnh Ukraine đang khan hiếm đạn dược, đặc biệt là đạn pháo 155 mm, do nguồn cung từ phương Tây sụt giảm, drone được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine có thể phần nào giảm bớt phụ thuộc vào pháo binh trên chiến trường.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Kyiv Post, Defense Express)