Truyền thông Nga ngày 10/11 công bố video quay từ màn hình máy tính, cho thấy quá trình thiết bị bay không người lái (drone) tự sát gắn cáp quang truy tìm và tập kích mục tiêu được cho là xe tăng chủ lực M1A1SA Abrams của Ukraine ở tỉnh Kursk.
Trong video, drone Nga bay thấp dọc theo con đường đất, luồn giữa các hàng cây trơ trụi và dưới đường dây điện. Phi cơ di chuyển tới khi phát hiện xe tăng đang ẩn nấp và được ngụy trang bằng các cành cây khô. Mặt trước xe tăng lắp nhiều khối giáp phản ứng nổ Kontakt-1 do Liên Xô chế tạo, trong khi phần lớn tháp pháo được bọc lưới thép chuyên đối phó drone.
Drone Nga lao vào vị trí phía sau tháp pháo, nơi đặt khoang chứa đạn và không có lưới bảo vệ. Tín hiệu video bị cắt sau khi đầu nổ trên drone kích hoạt, chưa rõ kết quả của đòn đánh.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
"Số mục tiêu bị drone cáp quang tiêu diệt vẫn tăng lên và đối phương chưa có biện pháp đối phó phù hợp. Điều này cho thấy Nga đã triển khai đại trà loại drone này đến mọi đơn vị trên tiền tuyến", tài khoản The_Wrong_Side chuyên đăng tư liệu về các đòn tập kích của Nga tại Ukraine cho hay
Drone cáp quang cho phép truyền hình ảnh rõ nét về kíp vận hành, ngay cả khi phương tiện bay thấp và áp sát mục tiêu, nằm ngoài tầm nhìn thẳng. Các loại drone điều khiển bằng sóng vô tuyến thường mất kết nối khi hạ độ cao để lao vào mục tiêu, khiến hình ảnh bị nhiễu, nhòe hoặc cắt đứt hoàn toàn.
Loại drone này cũng duy trì hiệu quả tác chiến trong môi trường bị đối phương gây nhiễu mạnh, do đường truyền tín hiệu không phụ thuộc vào sóng vô tuyến.
Tuy nhiên, gắn cáp quang có thể hạn chế khả năng cơ động của drone, khiến chúng chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ cụ thể ở địa hình nhất định, nhằm tránh dây cáp bị rối hoặc mắc vào vật cản. Phạm vi hoạt động của drone cáp quang cũng bị giới hạn bởi chiều dài của đoạn dây mà phương tiện mang theo.
Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47 Ukraine ngày 21/10 công bố video cho thấy xe tăng M1A1SA Abrams và xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley nã pháo vào hàng loạt căn nhà ở một ngôi làng tại tỉnh Kursk của Nga. Đây là lần đầu tiên xe tăng Abrams xuất hiện tại tỉnh Kursk kể từ khi Ukraine phát động chiến dịch tấn công lãnh thổ Nga hồi đầu tháng 8.
Mỹ đã chuyển tổng cộng 31 xe tăng M1A1SA Abrams cho Ukraine, đủ trang bị cho một tiểu đoàn thiết giáp. Ukraine từng tuyên bố mẫu xe tăng có giá 10 triệu USD của Mỹ sẽ là vũ khí quan trọng để giúp họ chọc thủng phòng tuyến đối phương.
Tuy nhiên, lực lượng xe tăng này hứng chịu nhiều thiệt hại dù chỉ triển khai hạn chế, không tham gia các chiến dịch đột kích hiệp đồng như học thuyết quân sự của NATO.
Theo báo cáo tổng hợp của Oryx, trang phân tích thông tin chiến sự có trụ sở tại Hà Lan, ít nhất 16 xe tăng Abrams của Ukraine đã bị phá hủy kể từ khi bắt đầu tham chiến hồi cuối tháng 2. Điều này cũng đồng nghĩa quân đội Ukraine đã mất một nửa tổng số xe tăng Abrams được Mỹ viện trợ, chưa kể những xe nằm đắp chiếu do hỏng hóc hoặc hư hại trong chiến đấu.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, AFP, AP)