Al-Merreikh nằm ở Omdurman, thành phố lớn thứ hai của Sudan. Nó không phải là một sân vận động tiếng tăm trên thế giới. Nhưng nơi ấy - được gán cho cái biệt danh mỹ miều Lâu Đài Đỏ - đã chứng kiến một trong những câu chuyện phi thường nhất của lịch sử bóng đá.
Đó là ngày 8/10/2005. Mọi sự tính toán cho tấm vé vào vòng chung kết World Cup 2006 đã được vạch sẵn. Một chiến thắng trước Ai Cập sẽ giúp Cameroon lần thứ sáu đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Nhưng nếu không thắng, họ sẽ để Bờ Biển Ngà - đang ít hơn một điểm - vượt mặt và lần đầu dự World Cup. Hôm đó, Bờ Biển Nga làm khách của Sudan.
Được xem là "Thế hệ vàng" đem đến áp lực đáng kể, nhưng với Bờ Biển Ngà, họ thực sự đang sở hữu những con người như thế. Đứng đầu là "nghệ sĩ" Didier Drogba, cùng với đó là Kolo Toure, Emmanuel Eboue và Didier Zokora - những ngôi sao đang tỏa sáng ở Ngoại Hạng Anh. Ngoài ra, còn có một Yaya Toure trẻ trung đang khoác áo Olympiakos ở Hy Lạp. Đây là tập thể có thể chinh phạt châu lục này. Bất chấp việc thua Cameroon ở hai lượt trận trước, họ vẫn đang bám rất sát khi bước vào trận cuối ở Sudan.
Tuy nhiên, trước bước ngoặt ấy của lịch sử, quê nhà của họ cũng đang rung chuyển trên bờ vực của tăm tối. Cuộc nội chiến năm 2002 đã chia đất nước làm hai với sự kiểm soát của chính quyền Tổng thống Laurent Gbagbo ở phía nam và phe nổi dậy với tên gọi Thế Lực Mới của Bờ Biển Ngà ở phía bắc.
Ngày 19/9/2002, những cuộc đụng độ nổ ra khi phiến quân tấn công hàng loạt thành phố trên khắp đất nước. Sebastien Gnahore, một cựu tuyển thủ bóng đá chạy trốn khỏi Bờ Biển Ngà, nhớ lại: "Đó là khoảng thời gian tồi tệ. Tôi có thể nghe thấy tiếng súng đì đòm bên ngoài khi gọi điện cho em gái. Bọn họ phải ẩn nấp dưới giường suốt bốn ngày và chỉ ra khỏi đó khi cần đồ ăn".
Đa số các cuộc bạo loạn chấm dứt năm 2004, nhưng căng thẳng một lần nữa leo thang năm kế tiếp. Tương lai thật ảm đạm ở đất nước Tây Phi này.
Những cầu thủ thành danh của Bờ Biển Ngà thì dường như sống ở một thế giới khác xa những người còn lại ở quê nhà. Những khoản tiền kiếm được có thể đưa họ đến cảnh giới khác. Nhưng buổi tối hôm đó, bất chấp cuộc sống giàu sang ở châu Âu, các cầu thủ người Bờ Biển Ngà biết rằng đang có những hiểm họa trực chờ. Và không ai có thể giải quyết được vấn đề này ngoài "người dẫn dắt" - Drogba.
Drogba gia nhập Chelsea năm 2004 với phí chuyển nhượng là 24 triệu bảng (khoảng 32 triệu USD). Chín năm ở Chelsea đủ định hình về anh, bao gồm phong cách thi đấu của một trung phong thô ráp nhưng hiệu quả, thậm chí vô số những lời buộc tội vì hành vi phi thể thao hay ăn vạ. Dù yêu hay ghét, thành công của anh ở Tây London là không phải bàn cãi. Bốn chức vô địch Ngoại Hạng Anh, bốn Cup FA, ba League Cup và một Champion League. Arsene Wenger, người thường xuyên nhận trái đắng khi còn dẫn dắt Arsenal, nói: "Cậu ấy là một nhà vô địch và sẽ luôn là như vậy cho đến hết cuộc đời".
Drogba thật sự là một nhà vô địch nhưng áp lực của buổi tối tháng 10 năm đó ở Sudan rất khác biệt.
Trận đấu giữa Cameroon với Ai Cập ở Yaounde và Bờ Biển Ngà với Sudan diễn ra cùng lúc. Bờ Biển Ngà hoàn toàn áp đảo trước một Sudan chỉ xếp thứ hai từ dưới lên. Phút thứ 73, Aruna Dindane ghi bàn thứ hai cho riêng mình, và là bàn thứ ba cho Bờ Biển Ngà. Bàn rút ngắn muộn màng ở phút 89 chỉ như một lời an ủi dành cho Sudan. Trận đấu diễn ra một cách dễ đoán nhưng cách đó gần 1.600 dặm ở Yaounde, khung cảnh rất khác biệt.
Cameroon vươn lên dẫn phút 20, nhưng để Mohammed Shawky gỡ hòa phút 79. Điều này đồng thời đảo ngược tình thế theo hướng có lợi cho Bờ Biển Ngà. Một trận hòa của Cameroon và một chiến thắng trước Sudan sẽ giúp Drogba cùng các đồng đội bước tiếp.
Với vài giây còn lại ở Yaounde và một kết quả hòa 1-1, Bờ Biển Ngà đã sẵn sàng cho chuyến đi đầu tiên đến vòng chung kết World Cup. Trận đấu ở Sudan đã kết thúc. Drogba cùng với những người đồng đội đứng đó lắng nghe tiếng phát thanh từ radio và chờ đợi. Rồi một tin xấu ập đến. Cameroon được hưởng quả phạt đền vào phút bù giờ thứ tư.
Nhưng trong rủi có may. Cú sút ngay của Pierre Wome dội cột dọc trái bay ra ngoài. Trong vòng cấm, các cầu thủ Cameroon thất thần. Một số kéo áo lên để che đi sự thất vọng. Ở chiều ngược lại, Bờ Biển Ngà vỡ òa trong niềm vui sướng khi biết được rằng đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử họ được thi đấu ở giải đấu cấp cao nhất cho một đội tuyển quốc gia.
"Khắp đất nước, từng người, từng ngôi nhà đều vui sướng. Đó là ngày họ quên đi đất nước đang còn chia rẽ", Hassane Omar, một học sinh 20 tuổi lúc ấy, nói.
Sau những màn rượt đuổi kịch tính hôm đó, điều được chú ý hơn cả không xảy ra trên sân cỏ mà trong căn phòng thay đồ chật chội cho đội khách ở trên sân Al-Merreikh. Một buổi cầu nguyện sau trận được Drogba khởi xướng. Lần này nó không đơn thuần chỉ là một nghi lễ.
Ở trung tâm là tiền đạo của Chelsea, với dáng vẻ oai vệ vốn có và một chiếc microphone trên tay. Các cầu thủ còn lại khoác vai nhau, quây quanh tiền đạo đáng kính ấy. Tất cả được quay lại bởi ống kính truyền hình.
"Hỡi những người dân của Bờ Biển Ngà", anh bắt đầu. "Từ bắc chí nam, miền trung du hay tây nguyên, hôm nay chúng tôi đã chứng tỏ rằng tất cả chúng ta đều có thể cùng tồn tại, cùng cống hiến cho một mục tiêu chung đó chính là lọt vào vòng chung kết World Cup. Chúng tôi hứa với các bạn rằng niềm vui này sẽ mang chúng ta đến gần với nhau hơn. Hôm nay chúng tôi quỳ xuống, cầu xin các bạn".
Thế rồi, các cầu thủ lần lượt quỳ xuống.
"Một đất nước ở châu Phi với nhiều tài sản quý báu như chúng ta không thể cứ thế sa vào chiến tranh. Hãy bỏ vũ khí xuống và tổ chức một cuộc bầu cử".
Video với độ dài hơn một phút được phát tán trên Youtube với đoạn kết là các cầu thủ vui vẻ ca hát "Chúng tôi chỉ muốn vui vẻ nên hãy ngừng bắn nhau".
Ở quê nhà, những bữa tiệc cũng bắt đầu. Niềm vui chiến thắng lan tỏa đến thủ đô Bouake, nơi quân nổi dậy đóng quân. Trong những cuộc vui đó, những chai bia đã được người Bờ Biển Ngà đổi tên thành "Drogbas" nhằm tôn vinh những cống hiến của tiền đạo thủ quân. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết, ngày hôm sau đất nước đã trở về trạng thái cũ. Một đất nước bị chia rẽ sâu sắc.
Nhưng ở đó, có thể cảm nhận được mọi thứ đang thay đổi dần dần qua từng tuần và từng tháng, với video phát biểu của các cầu thủ Bờ Biển Ngà được nghe đi nghe lại trong một khoảng thời gian dài. Nó như thể một xúc tác tuyệt vời mà truyền thông đã mang lại đủ để tạo ra sự đổi mới. Và nó đã đến. Cả hai bên đã dần dần tiến gần đến bàn đàm phán và một lệnh ngừng bắn cuối cùng cũng được ký kết.
Trong khi bất kỳ nhà viết kịch bản Hollywood nào cũng sẽ tự hào về cái kết này, nhưng câu chuyện dường như chưa dừng lại ở đó. Tại vòng chung kết World Cup 2006, Bờ Biển Ngà chia tay giải đấu sau vòng bảng khi thua Argentina và Hà Lan trước khi đánh bại Serbia và Montenegro. Đây là một màn trình diễn tạm chấp nhận được của một đại diện mới tham gia lần đầu.
Sau khi giành được giải cầu thủ xuất sắc châu Phi năm sau đó, Drogba đã có một thông báo đặc biệt trong chuyến công du tới khu vực bị chiếm đóng của phiến quân. Trận đấu trên sân nhà của Bờ Biển Ngà với Madagascar ngày 3/7/2007 sẽ không được diễn ra trên sân Abidjan như dự kiến mà thay vào đó là sân vận động Bouake - thủ phủ của quân nổi dậy. Đây là điều không thể tưởng tượng được cách đây hai năm trước, khi bạo loạn còn diễn ra.
Austin Merrill một phóng viên từng có thời gian cộng tác ở Bờ Biển Ngà cho tạp chí Vanity Fair nói: "Hãy nhớ rằng Drogba đến từ phía nam, từ vùng Gbago - nơi mà anh được coi như là một vị thần ở thời điểm đó". Bầu không khí hôm đó ở thành phố phía bắc thật nhộn nhịp với sự mong đợi rất lớn.
"Nó thật điên rồ", Merrill nói về cảnh tượng trước mắt anh là xe bus của đội tuyển cùng với sự xuất hiện dày đặc của quân đội. Mọi người trèo lên nóc xe, vũ khí tuột khỏi tay của những người lính đang phấn khích. Bên trong sân vận động, quân đội chính phủ và phe nổi dậy ném qua lại những câu hô vang cổ vũ bóng đá. Một sự thay đổi rõ rệt đã xuất hiện khác xa so với bạo lực diễn ra gần đây.
"Đây không đơn thuần còn là bóng đá nữa", Omar - xem bóng đá qua màn hình TV từ Abidjan - kể lại. "Mọi người đã dừng mọi công việc từ lúc 12h trưa để uống bia và champagne. Chúng tôi đều rất hạnh phúc."
Trên sân cỏ, Salomon Kalou mở tỷ số phút 18. Thế rồi bàn thắng cứ thế đến. Khi chỉ còn 5 phút ít ỏi, Bờ Biển Ngà dẫn 4-0. Một đường chuyền bổng vượt qua hàng hậu vệ hướng đến vị trí mà Drogba đang chạy chỗ. Với một pha khống chế bóng tinh tế và bước chạm hai làm say mê lòng người đã đưa anh qua thủ môn để dứt điểm vào lưới trống. Những tiếng la hò bùng nổ bất chấp sức chứa khiêm tốn của sân vận động.
Người anh hùng của đất nước chạy dọc đường biên để ăn mừng.
Sau tiếng còi mãn cuộc, các CĐV tràn xuống sân buộc các nhân viên an ninh phải dựng hàng rào bảo vệ xung quanh các cầu thủ, đặc biệt là Drogba. "Tất cả mọi người đều đến với nhau trong niềm vui sướng được lan tỏa trên khắp đất nước", Gnahore nói. "Chúng tôi đã đặt rất nhiều niềm tin vào Drogba và đội bóng của anh ấy. Anh em nhà Toure từ phía Bắc và Drogba từ phía Nam đã thực sự tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp."
Nhưng những gì diễn ra sau đó thật đáng buồn. Sự chia rẽ sâu sắc đã khiến niềm phấn khích của hai trận cầu bóng đá dần đi vào quên lãng trong trí nhớ ngắn hạn của mọi người. Chỉ 5 năm sau đó, bạo lực lại tiếp tục hoành hành sau những tranh chấp về các cuộc bầu cử dẫn đến 3.000 người thiệt mạng và đỉnh điểm là việc bắt giữ tổng thống Gbagbo và cuối cùng là phiên tòa xét xử ông tại Hague vì tội ác chống lại loài người.
Tháng 1/2019, ông đã được tuyên bố trắng án cho mọi cáo buộc nhưng vẫn tiếp tục bị giam giữ ở Bỉ một năm sau đó để chờ kết quả kháng cáo. Tình hình chính trị của Bờ Biển Ngà lúc này hết sức nhạy cảm.
"Thế hệ vàng" của Bờ Biển Ngà chưa bao giờ thực sự phát huy hết tiềm năng khi đều để vụt mất chức vô địch các Quốc Gia châu Phi trên chấm phạt đền năm 2006 và 2012. Sức mạnh của họ cũng vì thế mà giảm đi đáng kể. Có lẽ đơn giản là vì họ sẽ không bao giờ có thể tái hiện lại cơn địa chấn năm 2005 và 2007.
Drogba giải nghệ năm 2018 sau khi trải qua một sự nghiệp chói sáng với thành công ở sáu quốc gia khác nhau. Nếu không phải là một huyền thoại của làng bóng đá thế giới anh cũng đã có một vị trí vững chãi trong ngồi đền của các huyền thoại châu Phi. Nhưng trách nhiệm của anh và các đồng đội còn lớn lao hơn cả vinh quang của bóng đá. "Họ cho chúng ta thấy rằng tất cả đều có thể chung sống cùng nhau trên một mái nhà Bờ Biển Ngà mà chúng ta từng ở trước đây. Đó không phải là bóng đá mà là sự thống nhất của một quốc gia", Omar nói.
Drogba và các đồng đội không thể đơn độc ngăn chặn cuộc nội chiến, nhưng qua hai trận bóng đá đó, họ ít nhất cho người dân một lý do để hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Quang Vinh (theo BBC)