Tại chương trình "Chiến lược đầu tư đón trạng thái bình thường mới" ngày 28/9, ông Nguyễn Sang Lộc, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư, Dragon Capital Việt Nam cho biết làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã thay toàn bộ yếu tố cơ bản của một số ngành nghề trong dài hạn.
Khác với nhiều nhận định trên thị trường, quỹ đầu tư này không quá lạc quan vào triển vọng của các nhóm ngành du lịch, vận tải hành khách hay nhà hàng... dù có thể quay lại hoạt động bình thường trong 12-18 tháng tới. Theo giải thích của ông Lộc, điều quan trọng là tâm lý người dùng chưa sẵn sàng quay trở lại.
Lấy ví dụ việc Phú Quốc thí điểm mở cửa lại du lịch nhưng ổ dịch xuất hiện tại hòn đảo này sau đó, đã khiến người dân lo ngại và bất an, ông Lộc cho rằng xu hướng tâm lý e dè và thận trọng sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Tâm lý này chỉ có thể giải toả khi Việt Nam đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, nhanh nhất vào năm sau.
Ở chiều hướng khác, một số ngành được chuyên gia này đánh giá là "điểm sáng" khi mở cửa lại nền kinh tế là ngân hàng, vật liệu xây dựng hay bất động sản.
Trong đó, động lực của nhóm ngành bất động sản đặc biệt là vật liệu xây dựng đến từ tình thế "bắt buộc" giải ngân đầu tư công, theo ông Lộc.
Đầu tư công trong 3 quý đầu năm chưa đạt được như kỳ vọng một phần do tác động của đợt dịch lần thứ 4. Đã 9 tháng đầu năm nhưng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Dragon Capital Việt Nam, Chính phủ sẽ phải tăng giải ngân đầu tư công trong giai đoạn để bù đắp lại tăng trưởng yếu của khối tư nhân, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế.
Còn với nhóm ngân hàng, lãi suất được dự đoán duy trì ở mức thấp trong thời gian dài sẽ là yếu tố ủng hộ ngành này.
Theo đánh giá của chuyên gia Dương Phạm, phụ trách mảng ngân hàng tại Dragon Capital, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ môi trường lãi suất thấp. Mặt bằng lãi suất của các nước trong khu vực đã rất thấp nên không còn nhiều dư địa giảm như tại các ngân hàng Việt. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng tận dụng được chi phí vốn rẻ từ nước ngoài với mức lãi suất 3% mỗi năm, thấp hơn vốn huy động trong nước. Hiện nay, việc huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài chiếm 5,5% tổng huy động của các ngân hàng Việt, tăng lên gấp so với 2018.
Nợ xấu có xu hướng tăng nhưng theo quỹ này, viễn cảnh của ngành ngân hàng có sự khác biệt lớn so với giai đoạn 2012-2015 nhờ chủ động có "đòn phủ đầu" trong việc nâng cao chất lượng tài sản. Theo ước tính của quỹ này, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cao nhất lịch sử, đạt khoảng 136%. Tỷ lệ bao phủ trên tổng nợ cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Đợt dịch lần thứ 4 trên thực tế đã khiến ngành sản xuất và dịch vụ giảm sâu so với các đợt dịch trước, nhưng theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital, tốc độ phục hồi sẽ nhanh hơn.
Điều này nhờ vào thay đổi trong chiến dịch từ "zero Covid-19" sang "sống chung với Covid-19". Các ngành sản xuất theo quan điểm của quỹ đầu tư này, sẽ phục hồi nhanh hơn nhóm ngành dịch vụ. Theo đó, ngành sản xuất có thể đạt được mức công suất như trước dịch vào quý I/2022, còn khu vực dịch vụ sẽ phục hồi vào cuối quý I - đầu quý II/2022, ông Tuấn dự báo.
Cũng theo đánh giá của ông Lê Anh Tuấn, định giá chứng khoán của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn ở mức hấp dẫn với so với nhiều nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines, Ấn Độ... Cùng với đó, số lượng tài khoản cá nhân mở mới tăng mạnh nhưng Việt Nam vẫn "ở trong giai đoạn đầu" của quá trình tăng trưởng số lượng nhà đầu tư cá nhân, tương tự như giai đoạn của Đài Loan cách đây hơn 30 năm.
Thị trường có thể tiếp tục đi ngang tích lũy trong ngắn hạn trong khi dịch bệnh dần được kiểm soát và giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng dần. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này đánh giá, tăng trưởng lợi nhuận tích cực và định giá hấp dẫn là động lực tăng trưởng kép của thị trường. Số lượng nhà đầu tư trong nước ngày càng phát triển mạnh là nền tăng vững chắc để thị trường tăng trưởng trong dài hạn.
Quỳnh Trang