Chốt phiên 11/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.861 điểm, tương đương 6,9%, xuống còn 25.128 điểm. S&P 500 giảm 5,9% xuống sát ngưỡng 3.000 điểm, trong khi Nasdaq Composite lùi 5,3% so với tham chiếu.
Đà giảm mạnh khiến Phố Wall ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 16/3, S&P 500 cũng giảm ba phiên liên tiếp lần đầu trong hơn 3 tháng.
"Tâm lý của thị trường đang bị thử thách khi nhà đầu tư cân nhắc về diễn biến gia tăng của số ca nhiễm Covid-19 gần đây và những đánh giá về triển vọng kém tích cực từ Fed", Dan Deming, giám đốc điều hành tại KKM Financial, nhận xét. "Diễn biến này cũng là hợp lý khi thực tế chúng ta đã đi rất nhanh". Deming cũng dự báo sự điều chỉnh có thể kéo dài hơn kỳ vọng của thị trường.
Cổ phiếu các hãng hàng không, các công ty vận hành tàu biển và các nhà bán lẻ rơi vào tâm điểm bán tháo sau chuỗi phiên tăng liên tục trước đó.
Cổ phiếu của United Airlines, Delta, American và Southwest đều giảm hơn 11%. Cổ phiếu các nhà vận hành tàu biển như Carnival và Norwegian Cruise Line cùng giảm hơn 15%. Trong lĩnh vực bán lẻ, Gap và Kohl đóng cửa với mức thấp hơn 8,1% và 11,2%.
Mối lo ngại về làn sóng thứ hai của đại dịch tăng lên khi nhiều bang tại Mỹ đẩy nhanh việc mở cửa trở lại. Texas đã báo cáo ba ngày liên tiếp có số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục. Chín quận tại California cũng ghi nhận điều tương tự. Nói với CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, nước này không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa bởi tác động sẽ rất lớn, không chỉ là về thiệt hại kinh tế mà còn có những khía cạnh khác.
Dennis DeBusschere, nhà phân tích về vĩ mô của Evercore ISI đánh giá, các chính sách tiền tệ thân thiện từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không đủ bù đắp nếu làn sóng Covid-19 thứ hai nổ ra.
"Số ca nhiễm mới ngày càng tăng khiến giới đầu tư lo ngại rằng cuộc biểu tình gần đây sẽ thúc đẩy một làn sóng đại dịch thứ hai, tạo áp lực cho tăng trưởng kinh tế và thu nhập. Ước tính giá trị hợp lý của S&P 500 đang sụt giảm", Dennis nói.
Minh Sơn (theo CNBC)