Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá 2-50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thuộc một trong những trường hợp thuộc khoản 1 điều này thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Với quy định nói trên, pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hủy hoại tài sản của người khác chứ không truy cứu hành vi hủy hoại tài sản của chính mình.
Điều 192 Bộ luật Dân sự cũng quy định chủ tài sản có quyền định đoạt tài sản (quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản).
Tuy nhiên, nếu hành vi hủy hoại tài sản của chính mình mà xâm hại đến các đối tượng khác được pháp luật hình sự bảo vệ thì vẫn có thể bị xem xét về tội danh tương ứng.
Cụ thể:
- Hành vi hủy hoại tài sản ở nơi công cộng (như đốt xe máy trên đường phố gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự...) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
- Người vi phạm luật giao thông đường bộ tự ý đốt xe máy của mình khi bị cảnh sát giao thông xử lý thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ, được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì các hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 15 và Điều 21 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội