Sự việc xảy ra hôm 16/10, nhưng đến 6/11 mới được công khai trên truyền thông Trung Quốc. Nạn nhân là Hình Phi Hiệp, 39 tuổi, nam công nhân làm việc tại Công ty Công nghệ Quán Tiệp, Thanh Đảo, Sơn Đông. Anh Hình nhận việc ngày 6/10, nhiệm vụ chính là gấp thùng giấy.
Trong 8 ngày làm việc, anh đã tăng ca tổng cộng 41 giờ. Sáng 16/10, anh cảm thấy không khỏe và xin nghỉ về ký túc xá. Khoảng 2h30 chiều cùng ngày, anh vào nhà vệ sinh và không trở ra. Gia đình cho biết anh Hình ngất xỉu trong nhà vệ sinh và được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tử vong là "do biến chứng tim mạch".
Người nhà nạn nhân đến Công ty Công nghệ Quán Tiệp và công ty môi giới để yêu cầu giải quyết, bồi thường nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng. Họ biểu tình bằng cách đứng trước cổng công ty, tay cầm di ảnh anh Hình, gào khóc để đòi lại công bằng. Em gái anh Hình cho biết anh trai mình mới vào làm việc được 8 ngày.
Phản hồi của Công ty Công nghệ Quán Tiệp sau đó gây phẫn nộ trong dư luận. Công ty cho rằng anh Hình là nhân viên của công ty môi giới, hợp đồng lao động được ký với công ty môi giới chứ không phải với Quán Tiệp. Gia đình nạn nhân cho rằng đây là hành động trốn tránh trách nhiệm của công ty.
Người dùng mạng bày tỏ sự phẫn nộ trước phản hồi của công ty. "Coi mạng người như cỏ rác, hễ có chuyện là đổ lỗi cho công ty môi giới, thật máu lạnh", một người chia sẻ. "10 ngày đã mất mạng, bóc lột quá đáng", người khác bình luận.
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng Trung Quốc dậy sóng vì cái chết của một người lao động phải làm thêm giờ. Thực tế, trong những năm gần đây, giới chức ghi nhận những ca đột tử ở một số ga tàu điện ngầm tại Bắc Kinh, văn phòng của Alibaba, ByteDance, JD, Meituan và nhiều công ty khác.
Đột tử thường do mất chức năng tim cấp tính, chẳng hạn đau tim hoặc ngưng tim. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm hút thuốc, uống rượu, thức khuya, làm việc nhiều giờ hoặc căng thẳng.
Trước đây, tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi. Nhưng trong thập kỷ qua, số người trẻ mắc bệnh tim ở Trung Quốc ngày càng tăng. Theo bác sĩ Li Yuehua, 40 năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Tân Hoa Thượng Hải, vào những năm 1980, bệnh nhân đau tim mà bà điều trị thường ở độ tuổi 60 và 70. Sau đó, bệnh nhân ở độ tuổi 40 và 50 xuất hiện nhiều hơn. Gần đây, bà đã điều trị cho những bệnh nhân trẻ, chỉ mới 26 tuổi.
Trong một bài báo về sức khỏe cộng đồng, hãng tin Dingxiang Doctor báo cáo 50% số người được hỏi lo sợ trở thành nạn nhân của đột tử. Tờ báo trích dẫn thống kê: "Ở Trung Quốc, 544.000 người đột tử mỗi năm" - tương đương khoảng một người mỗi phút. Nhưng con số này đã lỗi thời, được lấy từ một nghiên cứu năm 2006, trong đó nhóm chuyên gia theo dõi hơn 670.000 người ở 4 thành phố của Trung Quốc. Một số chuyên gia ước tính, ngày nay, số người chết hàng năm do ngưng tim "chắc chắn trên 1 triệu". Nhưng rất khó để có được số liệu thống kê đáng tin cậy hơn.
Thục Linh (Theo Oriental Daily Sina, Sixth Tone)