Khoảnh 3, 4, 5, tiểu khu 689 rừng phòng hộ đầu nguồn thủy điện Đăk Mi 4, xã Phước Kim, huyện Kim Sơn, bị cháy. Hiện trường là bãi tro tàn, nằm xen kẽ có hàng chục cây gỗ đường kính 10-60 cm bị cháy ở gốc. Nhiều cây gỗ khác đường kính 15-20 cm bị đốn hạ còn lại gốc, thân biến thành than.
Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn xác định khu vực rừng bị cháy được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Diện tích cháy là 20 ha, thuộc dự án trồng rừng thay thế, nhưng có 0,72 ha rừng tự nhiên.
Ông A Lăng Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn - chủ rừng cho biết, khu vực này đang thực hiện dự án trồng rừng thay thế, được UBND tỉnh phê duyệt 20 ha. Ngày 14/3, Ban quản lý hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Tuấn Zin (Đà Nẵng) để trồng rừng. Gói thầu trị giá hơn 600 triệu đồng, bao gồm phát dọn, trồng rừng thay thế trên diện tích 20 ha.
Theo quy định, xử lý thực bì ở vùng rừng phòng hộ thì không được đốt. Ban đã thống nhất với Hạt Kiểm lâm huyện và đơn vị thi công không được tác động vào rừng. Nhưng ngày 8-9/5, doanh nghiệp trong quá trình trồng rừng đã gây cháy.
Ông Nguyễn Quốc Trưởng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Tuấn Zin, phân trần trong hồ sơ thiết kế không được đốt, nhưng "nếu không đốt thì không thể trồng rừng được, vì thực bì dày cả mét". Hôm đó công nhân đốt buổi trưa, gặp phải gió to không may cháy lan.
Ông Trưởng khẳng định đây là việc làm ngoài ý muốn, "xin chịu trách nhiệm trước pháp luật và không đổ lỗi cho ai".
Ngày 30/5, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng đi kiểm tra cụ thể vụ cháy rừng ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn. "Sau khi xác minh cái gì sai thì kiểm điểm rút kinh nghiệm, cái nào cố tình để gây cháy rừng thì xử lý theo pháp luật", ông nói.
Điều 10, chương 2, Thông tư số 29, ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định với trồng mới rừng phòng hộ thì thực hiện phát dọn thực bì theo băng hoặc theo đám. Thực bì được gom thành dải dọc theo đường đồng mức và không được đốt; được phát trắng thực bì ở nơi có độ dốc dưới 15 độ, nhưng phải chừa lại đai cây xanh ở đỉnh dông, ven khe suối, bờ sông, hồ. Khi xử lý thực bì phải chừa lại toàn bộ cây gỗ có sẵn và cây tái sinh mục đích.