Trước đó, ông điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do thông liên thất, suy tim, sức khỏe đã ổn định và dự kiến sẽ chuyển về điều trị tiếp tại Bệnh viện tỉnh Thái Bình.
Sáng nay ông thức dậy sớm, ngã, nhanh chóng hôn mê, liệt nửa người phải, may mắn còn ở trong bệnh viện nên được cấp cứu ngay. Chỉ 30 phút sau đột quỵ, ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ não phát hiện bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch, nhiều huyết khối dọc theo động mạch cảnh - một trong bốn mạch máu quan trọng để nuôi não.
Kíp cấp cứu đột quỵ tiến hành can thiệp ngay, hút ra rất nhiều cục máu đông trong động mạch ở não, tái thông dòng chảy hoàn toàn lúc 6h sáng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Cương - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bệnh nhân, cho biết đột quỵ tắc mạch máu não chiếm 80% các loại đột quỵ não. Thời điểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thường gặp khi bệnh nhân ngủ dậy.
"Bệnh nhân này may mắn vì bị đột quỵ ngay trong bệnh viện nên được phát hiện, xử trí cấp cứu kịp thời".
Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị tăng huyết áp. Gần 40% không biết bệnh, 69% không được kiểm soát. Bệnh rất dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp đơn giản nhưng thường bị bỏ sót, do tăng huyết áp thường không có triệu chứng.
Để phát hiện sớm biểu hiện đột quỵ, có thể dựa vào dấu hiệu F.A.S.T, viết tắt của các từ Face - liệt mặt, méo miệng, Arm - yếu tay hoặc yếu nửa người, Speech - nói ngọng, nói khó, Time - thời điểm bị tai biến, được hiểu là lúc xuất hiện các triệu chứng trên.
"Dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ có thể rất nhẹ nhưng cũng có thể diễn biến nặng lên rất nhanh và sau vài tiếng đã dẫn đến hôn mê", bác sĩ Cương nhận định.
Do đó, khi nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cũng nên được đưa ngay vào bệnh viện để kiểm tra đầy đủ, càng sớm càng tốt. Không nên dùng các thuốc trôi nổi trên thị trường được quảng cáo là chống hoặc chữa đột quỵ vì có thể phản tác dụng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đột quỵ não là bệnh có thể dự phòng bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ như điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát trị số huyết áp... Đối với nhóm dự phòng cấp một, tức chưa từng đột quỵ, cần khám thường quy để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và kiểm soát sớm ngay từ đầu. Người đái tháo đường, huyết áp, mỡ máu nên đi khám một tháng một lần.
Đối với người trung niên và cao tuổi, cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Trong những ngày lạnh, người cao tuổi nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, thư giãn tinh thần ở trong nhà, nơi có mái che, nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm... Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, không tập gắng sức. Tự theo dõi huyết áp mỗi ngày, kiểm soát sức khỏe, tránh tình trạng quên thuốc, ngưng thuốc khiến bệnh trầm trọng.
Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ tầm soát các yếu tố nguy cơ, điều trị sớm. Xây dựng lối sống lành mạnh, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. chủ động tìm hiểu một số thông tin cơ bản về sơ cứu khi phát hiện người bệnh đột quỵ nhằm tăng cơ hội điều trị, giảm tối đa các biến chứng vận động sau này.
Thùy An