Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long ngày 11/5 sau một giờ khởi phát triệu chứng. Hình ảnh chụp CT xác định bệnh nhân bị nhồi máu não cấp bán cầu trái giờ thứ nhất, bác sĩ chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA).
Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, mạch máu bị tắc đã được tái thông hoàn toàn. Người phụ nữ nói chuyện rõ lời, sức cơ bên liệt hồi phục hoàn toàn, có thể đứng, đi lại và sinh hoạt gần như bình thường. Hiện, bà đang được tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị nguyên nhân, dự phòng tái phát.
Để hạn chế nguy cơ đột quỵ, bác sĩ khuyên nên xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch... cần thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa sâu, nhất là những nơi có đơn vị điều trị đột quỵ để được phát hiện và chẩn sớm đột quỵ bằng hình ảnh học như MRI, CT não nhằm hạn chế tối đa các trường hợp đột quỵ đáng tiếc xảy ra.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính phổ biến, gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đột quỵ có hai dạng là nhồi máu não do tắc mạch máu, chiếm 85% và 15% còn lại là xuất huyết não do vỡ mạch máu. Với bệnh nhận đột quỵ, "thời gian là não", bởi mỗi một phút não thiếu máu trôi qua, có hai triệu tế bào não chết đi, không thể phục hồi. Do đó, điều kiện tiên quyết để cứu người đột quỵ là xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt, thường gọi là trong thời gian vàng khởi phát đột quỵ là 4,5-6-24 giờ, tùy từng trường hợp.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 230.000 ca đột quỵ, trong đó gần 50% bệnh nhân diễn biến xấu đi và tử vong theo thời gian, 90% để lại di chứng. Bên cạnh nguy cơ tử vong, gánh nặng chi phí y tế cũng đè nặng người bệnh nếu họ bị di chứng tàn tật suốt đời.
Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo xu hướng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, chuyển dịch từ nhóm người cao tuổi về độ tuổi trung niên, người trẻ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.
Thư Anh