
Ngựa giấy xếp trước sảnh đền ông Hoàng Mười chờ đốt, chiều 31/1. Ảnh: Đức Hùng
Chiều 31/1, hàng chục con ngựa giấy được du khách xếp hàng phía trước sảnh đền ông Hoàng Mười - còn gọi là đền chợ Củi, ở xã Xuân Hồng, để làm lễ và đem đốt cầu may mắn, tài lộc giải hạn, tình duyên...
Ngựa giấy có nhiều kích thước, con bé cao từ 50 cm đến một m, con lớn cao 2 m, được làm từ cốt nứa, bên ngoài dán giấy bồi, quét sơn vàng để trang trí. Một bộ ngựa giấy đi kèm hình nhân, áo, mũ, quan tiền, đôi lúc kèm theo các lễ vật như hoa quả, cau trầu...
Anh Trần Bình (quê Thanh Hóa) cho biết, Đức Quan Hoàng Mười là vị tướng đánh trận giỏi nên người dân thường hóa ngựa, thuyền giấy cho ông để củng cố binh lực chống giặc ngoại xâm. "Theo truyền thuyết, vị quan này chuyên ban lộc về công danh sự nghiệp, nên tôi cũng muốn thử vận may, hàng năm luôn mua ngựa giấy vào đền làm lễ", anh Bình nói.

Mỗi ngày, hàng chục con ngựa giấy được đốt tại đền ông Hoàng Mười. Ảnh: Đức Hùng
Ngựa giấy mua xong sẽ được đưa đến đặt ở sảnh của đền ông Hoàng Mười chờ làm lễ trong 2 tiếng. Xong lễ, khách đưa ngựa, lễ vật đến lò hóa vàng mã đặt ở phía Tây của đền để đốt.
Tại điểm hóa vàng mã, có hai người phụ nữ túc trực, hỗ trợ. Một lần đốt ngựa giấy hoặc lễ vật, khách hành hương phải đưa cho họ 10.000 đến 20.000 đồng. "Từ mùng một Tết đến nay, mỗi ngày tôi hỗ trợ du khách đốt khoảng 50 con ngựa giấy", một phụ nữ nói.
Theo anh Nguyễn Hữu Thái, chủ cửa hàng ở đền ông Hoàng Mười, mỗi ngày anh bán được khoảng 3-5 con ngựa giấy, người mua chủ yếu là khách thập phương đến từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh.... Với du khách địa phương, họ chỉ mua hương, bánh kẹo, chứ không chi nhiều tiền để hóa vàng mã.

Một ngựa giấy được đốt trong khoảng hai phút. Ảnh: Đức Hùng
Ông Nguyễn Long Thiên, Trưởng Ban quản lý đền ông Hoàng Mười nói đã khuyến cáo người dân đi lễ không nên đốt ngựa giấy vì ảnh hưởng đến môi trường, song đó là "tín ngưỡng và nhu cầu của họ nên rất khó ngăn cấm".
Nhà chức trách dự tính sang tháng 3/2020 sẽ hạn chế không cho du khách sử dụng ngựa giấy cỡ lớn làm lễ, để ngăn việc lấn chiếm lòng lề đường, phòng chống nguy cơ cháy nổ.
Đền ông Hoàng Mười được xây dựng từ cuối triều Lê sơ, với các cung thờ tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ vị Tôn ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần); được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.
Đền được dân gian truyền tụng là linh thiêng, nên khách thập phương đến rất đông để vãn cảnh, cầu an.