Việc Cơ quan thi hành án dân sự TP HCM tiêu hủy giấy tờ đã được công an lập biên bản và đang điều tra thêm.
Trả lời chất vấn của đại diện Ban pháp chế thành phố, ông Phúc cho biết, mới đây chấp hành viên Trần Văn Hảo của Cơ quan thi hành án dân sự TP HCM có chở hai bao tải giấy tờ và cho thư ký mang một bao tài liệu ra bên hông căng - tin cơ quan đốt. Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, theo tường trình của ông Hảo, thì đó chỉ là những bìa hồ sơ và các biểu mẫu cũ, đã được loại ra, cùng gối, sách giáo khoa, tạp chí, thuốc nam...
Phần trình bày của ông Phúc vẫn khiến đoàn giám sát hoài nghi. Theo một số thành viên của đoàn, việc cán bộ cơ quan hủy tài liệu như trên là sai phạm rất lớn về quy định bảo mật tài liệu. Sự việc lại xảy ra vào thời điểm cơ quan công an đang tiến hành điều tra vụ tiêu cực tại cơ quan Thi hành án Dân sự thành phố mà ông Phúc và chấp hành viên Trần Văn Hảo, bước đầu bị xác định là có liên quan.
Thành viên của đoàn giám sát cũng cho rằng, theo quy định thì việc tiêu hủy tài liệu phải có hội đồng giám sát và được lập biên bản. Và việc ông Hảo chở bao tải giấy tờ ra khỏi cơ quan cần lập biên bản rõ ràng.
Ông Phúc lý giải, việc tiêu hủy không được lập biên bản trước là do chưa có quy chế cụ thể. Cũng theo ông Phúc, việc quản lý hồ sơ ở các cơ quan tiến hành tố tụng vốn rất chặt chẽ. Cơ quan thi hành án cũng lưu trữ hồ sơ cẩn thận, có những vụ giữ hàng chục năm và đến nay vẫn chưa tiêu hủy là do không có quy chế chỉ dẫn phải tiêu hủy ra sao.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ mua máy hủy hồ sơ và xây dựng quy chế về vấn đề này để quản lý được chặt chẽ hơn", ông Phúc nói.
Đối với những sai phạm trong thi hành án vụ Minh Phụng - Epco, ông Phúc trình bày, đây là vụ án phức tạp. Có 77 bị cáo, 208 cá nhân và 58 đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan, tổng số tiền phải thi hành là 3.620 tỷ đồng, 50,6 triệu USD, 445,5 lượng vàng, trên 2 triệu m2 đất và rất nhiều nhà xưởng, máy móc...
Cũng theo vị trưởng cơ quan thi hành án dân sự này, việc thu tiền cho dân chuộc lại đất của ông Hiệp là "không có vấn đề vì đỡ tốn công sức, thời gian đi đòi". Nhưng từ đó lại dẫn đến một loạt sai phạm khác như không báo với Epco - Minh Phụng, không xác minh, ra văn bản đề nghị chính quyền địa phương cho phép các hộ đã nộp tiền được đăng ký quyền sử dụng đất... "Vụ việc đã được phía lãnh đạo cơ quan thi hành án kiểm điểm về mặt trách nhiệm, đồng thời đúc kết thành bài học", ông Phúc nói
Trước đó, ngày 13/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã thực hiện quyết định khởi tố, bắt tạm giam nguyên chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự thành phố là Bùi Liên Hiệp. Ông này bị kết luận là đã có nhiều sai phạm trong công tác thi hành án vụ Epco - Minh Phụng. Cụ thể, ông Hiệp đã "lén lút" ra các quyết định cho năm hộ dân chuộc lại hơn 30.000m2 đất ở phường An Phú, quận 2. Đây là phần tài sản thi hành án của Công ty Epco nhưng chấp hành viên Bùi Liên Hiệp cố tình "phớt lờ" công ty này, tự ý thu giữ tiền và "trả lại" đất cho các hộ dân.
Liên quan đến vụ việc trên, bước đầu, ông Lương Vĩnh Phúc và chấp hành viên Trần Văn Hảo cũng bị xác định là đã có sai sót. Vụ tiêu cực này vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Mới đây, Đảng bộ Sở Tư pháp đã đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phúc và phê bình nghiêm khắc chấp hành viên Trần Văn Hảo.
N. Hải