Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 29/5 công bố kết quả giải trình tự gene virus phát hiện đột biến mất axit amin ở vị trí Y144del (tên gọi khác là đột biến Y144del) trong S ptotein ở biến chủng B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ, trên bốn bệnh nhân. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tiếp tục nuôi cấy các mẫu nCoV có đột biến này để giải trình tự gene lại. Một số ý kiến cho rằng đây là chủng nCoV mới, lai giữa biến chủng có nguồn gốc từ Ấn Độ và Anh.
Song, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 3/6 cho biết, không có biến chủng lai mới tại Việt Nam. Đột biến Y144del trên chủng B.1.617.2 vẫn được ghi nhận và xếp vào nhóm chủng virus có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết một số đột biến bổ sung cần được nghiên cứu thêm.
Trao đổi với VnExpress ngày 4/6, tiến sĩ Văn Đình Tráng, Phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết biến chủng B.1617.2 mang đột biến Y144del đã được phát hiện trong 20 trên 13.000 mẫu được giải trình tự gene từ 9 quốc gia. Trong đó, lần gần đây nhất vào ngày 29/3. Đột biến Y144del còn được phát hiện tại các biến chủng khác như B.1.620, B.1.616, B.1.525, B.1.526.1, B. 1.1.318, B.1.1.7...
Theo tiến sĩ Tráng, đột biến Y144del có phải do cơ chế tái tổ hợp hay không (còn gọi là lai tạo) và tái tổ hợp với dòng biến chủng nào, còn cần được theo dõi và nghiên cứu thêm. Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương không phát hiện có đột biến Y144del trong S ptotein của biến chủng B.1.617.2 khi giải trình tự gene 62 mẫu bệnh phẩm dương tính được thu thập vào tháng 4-5/2021. Hiện, bệnh viện tiếp tục giải trình tự gene và phân tích thêm nhiều mẫu để tìm hiểu về biến chủng.
"Vì vậy, đột biến Y144del trong biến thể B.1.617.2 nguồn gốc từ Ấn Độ không thể kết luận do tái tổ hợp với biến thể B.1.1.7 nguồn gốc từ Anh, mà chỉ có thể ghi nhận là một biến thể mới có đột biến Y144del", tiến sĩ Tráng nói.
Tiến sĩ Tráng cho biết thêm virus luôn biến đổi để thích nghi với cơ thể vật chủ con người, do đó vẫn cần tiếp tục nghiên cứu về các khả năng của chúng.
"Hiện chưa thể khẳng định đột biến Y144del trên biến chủng B.1.617.2 có làm tăng khả năng lẩn trốn kháng thể từ vaccine hay nhiễm trùng tự nhiên, hoặc nguy cơ lẩn trốn các xét nghiệm RT-PCR thông thường hiện nay hay không", tiến sĩ Tráng nói.
Chi Lê