Mọi bộ phận trên cơ thể gà đen Ayam Cemani hay còn gọi gà mặt quỷ đều có màu đen, từ lông, mỏ, mào, lưỡi, ngón chân tới xương. Ngay cả thịt của chúng trông cũng như ướp bằng mực. Giống gà ở Indonesia là ví dụ điển hình nhất của hiện tượng tăng sắc tố bì. Các ví dụ khác là gà lông lụa ở Trung Quốc, gà H’Mông ở Việt Nam và gà Svarthöna ở Thụy Điển.
Màu đen của những giống gà trên xuất phát từ đặc điểm di truyền mang tên fibromelanosis. Nhóm nghiên cứu của Leif Andersson, nhà di truyền học ở Đại học Uppsala tại Thụy Điển, tìm thấy bằng chứng chỉ ra fibromelanosis là kết quả của sự tái sắp xếp phức tạp trong bộ gene. Cả 4 giống gà đều kế thừa đột biến từ một loài chim sống cách đây hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn năm. "Đột biến ẩn sau fibromelanosis rất kỳ lạ nên chúng tôi chắc chắn nó chỉ xảy ra một lần", Andersson cho biết.
Phần lớn động vật có xương sống sở hữu một gene gọi là endothelin 3 hay EDN3 đóng vai trò kiểm soát màu da. Khi con gà đang phát triển, tế bào ở da và nang lông biểu hiện EDN3, kích hoạt sự di cư của những nguyên bào sắc tố đen.
Nhưng ở những con gà bị tăng sắc tố mô, tất cả tế bào trong cơ thể đều biểu hiện EDN3, tạo ra lượng nguyên bào sắc tố đen cao gấp 10 lần khiến xương và nội tạng trông như nhuộm nhựa đường. "Đó là sự di cư nhầm. Nếu bạn biểu hiện quá nhiều endothelin 3 ở sai vị trí, các tế bào sắc tố sẽ di cư sai vị trí", Andersson giải thích.
Tuy nhiên, đột biến này dường như không gây hại cho các giống gà. Ngược lại, màu đen sẫm khiến chúng trở nên giá trị hơn với những người chăn nuôi. Theo họ, thịt và xương đen có mùi vị rất đặc biệt.
An Khang (Theo National Geographic)