Deborah Solomon
- Ở tuổi 88, sự nghiệp văn học của bà vừa được "trang hoàng" với giải Nobel. Bà cũng đã xuất bản cuốn tiểu thuyết mới "Alfred & Emily" với tên sách được đặt theo tên của bố mẹ mình. Bà kể hai câu chuyện về họ: thứ nhất là cuộc sống hạnh phúc của hai người do bà hư cấu nên, thứ hai là đời sống thực dựa trên những dòng hồi ức. Với tôi, đây thực sự là cuốn sách xúc động.
- Đây không phải là câu hỏi về sự xúc động mà là câu hỏi về cách thưởng thức tác phẩm. Tôi muốn viết một cuốn sách về mẹ, phác họa một giả thuyết về cuộc đời êm đẹp của bà nếu nó không bị Thế chiến I làm đảo lộn.
Nhà văn Doris Lessing. |
- Trong sách, bà tưởng tượng cuộc chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra, mẹ bà trở thành nhà sư phạm hàng đầu và đám tang của bà có sự tham gia của hàng trăm người. Nhưng trên thực tế, mẹ bà chỉ là một người nội trợ loanh quanh xoay xở với cuộc sống ở Rhodesia, châu Phi. Điều gì khiến bà hư cấu như vậy?
- Đó chính xác là những gì tôi nghĩ. Mẹ tôi là một phụ nữ lỗi lạc. Nhưng mảnh đất miền nam Rhodesia không có chỗ cho tài năng của bà phát triển. Tôi biết bà không có cơ hội để thể hiện bản thân. Vấn đề quan trọng là tôi đã hư cấu ra một cuộc đời tương xứng với khả năng đích thực của bà. Chuyện chúng tôi có xây dựng được cuộc đời đó trong hiện thực hay không không phải là chuyện đáng quan tâm.
- Liệu có quá muộn để hoàn thiện cuộc đời mơ ước của mẹ bà trên trang sách khi mà bà ấy không còn sống để đọc nó?
- Bây giờ, bà không còn sống. Nhưng cuốn sách khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Nó được viết ra là vì tôi chứ không phải vì bà.
- Bà nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết "Cuốn sổ vàng" xuất bản năm 1962 và đến nay vẫn được coi là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa nữ quyền - một cái mác mà bà không hề thích. Tại sao vậy?
- Tôi không nghĩ là phong trào đấu tranh bình đẳng giới lại tác động nhiều đến tính cách của phụ nữ chúng ta. Trên thực tế, nó đã tạo ra một số người đàn bà khổng lồ, gớm ghiếc.
Ngày từ thời trẻ, nhà văn đã thích nuôi mèo. |
- Hiện tại, bà vẫn luyện tập theo đạo Sufis chứ?
- Tôi nghĩ dùng từ "học hỏi" và "nghiên cứu" thì đúng hơn.
- Liệu có thể coi đây là một dòng của đạo Hồi, do thánh Muhammad sáng lập?
- Tôi biết là mọi người đều nghĩ như vậy bởi họ tìm hiểu điều đó trong bất cứ cuốn sách nào mà mình vớ được. Nhưng vấn đề là, đạo Sufis luôn có những tín đồ đến từ các tôn giáo khác, thậm chí là cả những người mang quan điểm vô thần.
- Là người sống lâu ở London, bà có nhận xét gì về sự phát triển của đạo Hồi tại châu Âu?
- Tôi sẽ không bình luận gì về chuyện này, như hai hiệp sĩ dũng cảm của chúng ta đâu.
- Ý bà muốn nói đến nhà văn Martin Amis (nhà văn từng gặp rắc rối khi đưa ra quan điểm cá nhân của mình về Hồi giáo). Thế còn người kia là ai?
- Một người nữa không bao giờ biết ngừng nói về đạo Hồi - Christopher Hitchens. Thôi, tôi không muốn rắc thuốc độc lên đống hỗn độn đang ủ mầm tranh cãi này đâu. Ầm ĩ như thế đủ rồi nên chúng ta hãy dẹp nó sang một bên đi.
- Bà có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về Gordon Brown - vị thủ tướng mới của nước Anh?
- Tony Blair đã xào nấu ông ta quá nhừ trước khi bày biện cho chúng tôi. Tôi không thích ông ta lắm. Nhưng so với Blair thì... Blair là một kẻ lừa đảo. Dù sao thì ông ta cũng đã ra đi, ơn Chúa.
- Điều gì khiến bà không thích ở Brown?
- Ông ta đã rất nỗ lực nhưng như bạn chú ý sẽ thấy, chúng ta vẫn suy thoái. Ông chẳng làm được gì ngoài việc làm gia tăng các chương trình truyền hình bàn về sự suy thoái.
- Hiện nay bà sống một mình?
- Tôi có một con mèo nữa, tên là Yum-Yum. Nó là giống mèo rất khó chiều. Bạn phải đối xử với nó như là đối xử với một công chúa, nếu không bạn sẽ không sống nổi với nó đâu.
- Là tác giả của hơn 50 cuốn sách, hàng ngày, bà còn viết đều đặn không?
- Không, tôi hoàn toàn hết năng lượng rồi. Tôi đã nghĩ đến chuyện không viết thêm cái gì nữa.
H.T. dịch
(Nguồn: nytimes)