Trên CNBC, ông Lei Lei Song, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: "Tôi tin rằng vốn đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là tại Đông Nam Á sẽ vẫn mạnh do những quốc gia này có nền tảng tương đối tốt". Ngoài ra, dù một vài nước bị rút vốn trong ngắn hạn, Đông Nam Á sẽ vẫn hấp dẫn hơn các nước khác do điều kiện kinh tế hiện tại tốt.
"Nếu anh nhìn vào các nền kinh tế châu Á và tốc độ tăng trưởng trong vài năm gần đây thì thấy Đông Nam Á là nơi ổn định nhất thế giới", Song cho biết. Ví dụ như Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã tăng trưởng hơn 6% trong 2 - 3 năm qua. Tháng trước, họ cũng là quốc gia châu Á đầu tiên kể từ năm 2011 tăng lãi suất thêm 0,25% để đối phó với lạm phát và nội tệ mất giá.

Tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu các nước mới nổi đã giảm giá kể từ đầu tháng 5 sau thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giảm quy mô gói nới lỏng tiền tệ trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng. Giữa tháng 6, dữ liệu từ EPRF Global cho thấy nhà đầu tư đã rút ra kỷ lục 10 tỷ USD từ các quỹ chứng khoán và trái phiếu các nước mới nổi.
Tuy nhiên, báo cáo tuần trước cho thấy các nhà đầu tư đang bắt đầu quay lại châu Á vì thị trường ở đây tương đối rẻ. ANZ Research cho biết các quỹ đầu tư chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) của họ đã ghi nhận 600 triệu USD chảy vào trong tuần, sau 5 tuần liên tiếp sụt giảm.
Song nhận định việc nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc hạ cánh cứng là mối nguy lớn nhất với các nước mới nổi châu Á cũng đã bị phóng đại. Song cho biết: "Dĩ nhiên cũng có một vài mối lo, khi chúng ta nhận thấy tín dụng bị thắt chặt trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng tôi không cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ có rủi ro suy giảm lớn. Họ đang tái cân bằng. Khi anh cải tổ cấu trúc, anh sẽ phải hy sinh tăng trưởng, nhưng không có nghĩa là sụp đổ".
Theo Song, việc này sẽ có tác dụng tích cực với Trung Quốc trong trung hạn. Các ngân hàng và tổ chức quốc tế lớn cũng vừa hạ triển vọng tăng trưởng của nước này. Nomura dự đoán tốc độ trên là 7% nửa cuối năm. Trung Quốc đã tăng trưởng chậm nhất 13 năm trong năm ngoái.
Thùy Linh