![]() |
Những con vượn cáo có kích cỡ chỉ bằng con chuôt đồng cuộn tròn trong các hốc cây và ngủ li bì trong cả 7 tháng mùa đông khô hạn, mặc dù ở xứ sở nhiệt đới Madagascar này, nhiệt độ mùa đông có thể vượt quá 30 độ. Để sống sót, chúng "đốt cháy" năng lượng trong cái đuôi béo tròn của mình. Đây cũng là lần đầu tiên, một loài linh trưởng nhiệt đới được công nhận khả năng "ngủ lịm", vốn chỉ biết đến ở các sinh vật hàn đới và ôn đới. Trước kia, việc loài linh trưởng này biến mất trong mùa đông ở Madagascar trở thành dấu chấm hỏi đối với các nhà khoa học, còn các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì không thể buộc chúng phải ngủ lâu ngày. Nhưng nay, Kathrin Dausmann tại Đại học Phillips ở Marburg (Germany) và cộng sự đã quan sát được hành vi đó. "Nghiên cứu đã chứng tỏ ngủ lịm không chỉ là hệ quả của cái lạnh - nó thậm chí có thể xảy ra trong điều kiện nóng nực hoặc ấm áp", Gerhard Heldmaier, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định. Đợt ngủ dài ngày này giúp chúng bảo tồn năng lượng trong mùa khô hạn, khi thức ăn trở nên khan hiếm. Khác với các kiểu ngủ đông thông thường (động vật điều hoà nhiệt độ cơ thể), thân nhiệt của vượn cáo dao động mạnh, trong khoảng 25 độ C và phụ thuộc vào khả năng cách nhiệt của hốc cây nơi nó trú, tức là vào nhiệt độ trong hốc cây. "Chưa có sinh vật ngủ lịm nào mà thân nhiệt dao động mạnh đến vậy, từ giữa 9 đến 36 độ C", said Heldmaier nói. B.H. (theo Reuters, NewScientist)
|