Khi nhà sinh vật học Kenro Kusumi mở gói hàng kỳ lạ ở hòm thư, ông trông thấy một chiếc bình ngâm chứa ethanol và vật thể giống chiếc đuôi cá sấu biến dạng. Tại phòng thí nghiệm ở Đại học Arizona, Kusumi chuyên nghiên cứu cách bò sát mọc lại đuôi. Vì vậy, ông đã thấy nhiều phần phụ khác thường của động vật, nhưng gói hàng gửi đến vào tháng 10/2017 vẫn nổi bật hơn cả. Chiếc đuôi bị bạc màu, phần chóp hơi chĩa ra và các vảy nhỏ bất thường.
Chiếc đuôi trông như mọc lại sau khi bị đứt, khiến Kusumi đặc biệt chú ý. Giới nghiên cứu ghi nhận khả năng mọc lại đuôi ở một số loài bò sát, bao gồm tắc kè và cự đà. Những khả năng này chưa bao giờ được báo cáo ở cá sấu mõm ngắn châu Mỹ, loài vật có thể dài tới 4 m chuyên dựa vào chiếc đuôi để giữ thăng bằng và lao đi trong nước. Phân tích của Kusumi và đồng nghiệp giúp xác nhận chiếc đuôi thực sự mọc lại. Nhóm của Kusumi có thể nghiên cứu chiếc đuôi mọc lại từ 3 con cá sấu khác. Họ mô tả phát hiện trên tạp chí Scientific Reports. Theo Kusumi, cá sấu ít tuổi có thể mọc lại đuôi với chiều dài lên tới 23 cm.
Hiện nay, cá sấu mõm ngắn là loài vật lớn nhất có thể mọc lại chi. Phát hiện có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu khả năng mọc lại chi tiến hóa và hoạt động như thế nào, từ đó giúp ích cho việc nghiên cứu thuốc dựa trên cơ chế tương tự. Ở một mức độ nhất định, tất cả động vật đều có thể chữa lành vết thương thông qua tái sinh. Ví dụ, động vật có vú có thể tái tạo phần nhỏ da, mạch máu và dây thần kinh phụ, nhưng không thể thay thế các chi. Những động vật khác như kỳ giông Mexico không chỉ có thể tái tạo xương và mô nội tạng mà còn có thể thay thế chi đã mất với độ chính xác gần như giống hệt.
Trong lớp bò sát, vài loài có thể mọc lại đuôi, nhưng chiếc đuôi thay thế không phải luôn tốt như bản gốc. Ví dụ, khi thằn lằn California tự đoạn đuôi để trốn động vật săn mồi, nó mọc lại chiếc đuôi có sụn cứng thay vì xương. Việc mọc lại xương tốn nhiều thời gian và năng lượng hơn mọc lại sụn.
Nhóm nghiên cứu của Kusumi kiểm tra tổng cộng 4 chiếc đuôi cá sấu châu Mỹ lấy từ cá sấu bị tiêm trợ tử ở Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Louisiana. Tất cả đều đến từ cá thể ít tuổi. Để kiểm tra cấu tạo đuôi, các nhà nghiên cứu dùng phương pháp chụp X quang, cộng hưởng từ và mổ xẻ. Họ nhận thấy xét về khả năng mọc lại, cá sấu nằm giữa thằn lằn và động vật có vú.
"Chúng tôi phát hiện nhiều điểm tương đồng giữa đuôi cá sấu và đuôi thằn lằn mọc lại, bao gồm sự hiện diện của cấu trúc sụn, cách sắp xếp vảy, màu sắc. Chúng tôi cũng thấy dấu vết mọc lại của dây thần kinh ngoại biên và mạch máu", Cindy Xu, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Arizona, cho biết. Cơ xương thúc đẩy chuyển động cơ thể thông qua co rút. Việc cá sấu thiếu đi loại cơ này nằm ngoài dự liệu của các nhà khoa học bởi thằn lằn và một số động vật có vú vẫn có khả năng mọc lại cơ xương. Họ suy đoán nguyên nhân có thể liên quan tới tiết kiệm năng lượng.
An Khang (Theo National Geographic)