![]() |
Con người không phải là sinh vật duy nhất có được khả năng đắn đo. Cá heo mũi to và khỉ nâu cũng biết tính toán trong những trường hợp khó xử. |
Các nhà khoa học cho rằng sự lúng túng phản ánh quá trình não đang tìm kiếm một câu trả lời đúng, một dạng tự nhận thức. Cho đến nay, trong một thời gian dài họ vẫn cho rằng bối rối là đặc trưng duy nhất chỉ có ở con người, hoặc một số linh trưởng hình người khác. Một số thử nghiệm trên động vật, trong đó có chuột và chim bồ câu, đã không tìm ra biểu hiện tâm lý đó.
Các nhà nghiên cứu tại ba trường đại học Mỹ mới đây đã tìm thấy ít nhất hai loài khác, là khỉ nâu và cá heo mũi to, cũng thể hiện sự lúng túng trong những thử nghiệm khó, và hành vi của chúng chẳng khác chi con người khi phải trải nghiệm tình huống tương tự, David Smith, Đại học tại Buffalo cho biết.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu hành vi của một nhóm khỉ nâu và một con cá heo mũi to đơn lẻ. Những con khỉ này là đối tượng lý tưởng bởi chúng đã được huấn luyện để sử dụng cần điều khiển và một chiếc máy tính để bày tỏ suy đoán của mình (rằng những hình xuất hiện trên màn là vật này hay vật khác). Một biểu tượng thứ 3 được bổ sung vào màn hình, nhờ thế lũ khỉ có thể từ chối tiếp tục tham gia thử nghiệm khi không biết câu trả lời (tức là túng túng).
Để so sánh, các nhà nghiên cứu cũng mời một nhóm sinh viên chưa tốt nghiệp tham gia thí nghiệm. Không giống như khỉ, các sinh viên có thể thốt lên bằng lời khi nào họ bối rối, hoặc không biết câu trả lời.
Tất cả sinh viên và khỉ được cho xem một chuỗi 4 tấm ảnh, và sau khoảng ngưng vài phút, một hình đơn lẻ xuất hiện trên màn hình. Yêu cầu đặt ra là họ phải xác định xem bức ảnh sau cùng này có nằm trong nhóm 4 bức xuất hiện trước đó hay không. Nếu không biết, họ có thể lựa chọn một biểu tượng trên màn hình để xác nhận điều này và tỏ ý muốn bỏ thử nghiệm.
"Người và linh trưởng có một khả năng được biết đến từ lâu là có thể nhớ rất rõ mục đầu tiên và mục cuối cùng trong một danh sách, nhưng lại lờ mờ về những mục ở giữa", Smith nói. Thí nghiệm cho thấy cả khỉ và các sinh viên đều gặp phải vấn đề như nhau với những bức tranh ở giữa chuỗi và quyết định không tham gia thí nghiệm khi không thể nhận ra bức tranh có nằm trong danh sách hay không. Cả hai nhóm đều bày tỏ sự lúng túng, không chắc chắn, theo cách hầu như hoàn toàn giống nhau.
Nhóm cá heo còn lại thực hiện một thử nghiệm tương tự, mặc dầu chúng không được huấn huyện để vận hành cần điều khiển. Chúng phải ra dấu khi nhận ra một âm thanh là ở trên hay dưới một tần số nào đó. Kết quả là, các con vật thí nghiệm có được câu trả lời dễ dàng khi tiếng động chắc chắn đã vượt quá hoặc thấp hơn tần số quy định. Nhưng khi tiếng động ở gần với mức đó, nhóm cá heo thường chọn cách rút lui khỏi thí nghiệm, giống như khỉ và các sinh viên.
Smith phỏng đoán rằng tâm trạng bối rối, lúng túng là đặc điểm chung của các động vật không có "tư duy phức tạp" như con người, khỉ và cá heo mũi to, nhưng khi các nhà nghiên cứu cố gắng chứng minh nó đúng với chuột, họ đã thất bại. Theo ông, đó có thể là do thử nghiệm không đúng, hoặc các nhà nghiên cứu không cố gắng hết mình. Hoặc giả bản thân chuột không bao giờ lúng túng. Trong cả đời mình, chúng chỉ mò mẫm và đưa ra những quyết định ngay tức khắc mà không biết điều gì sẽ xảy ra.
Bích Hạnh (theo ABC)