Theo trang Today I Found Out, cá hề là loài lưỡng tính tuần tự, khi sinh ra tất cả đều là đực nhưng có thể đổi giới tính khi lớn lên. Chúng sống bầy đàn, trong đó chỉ có con cái duy nhất là đầu đàn, có tính trạng trội và kích thước lớn nhất. Xếp sau nó là một con đực lớn hơn hẳn những con còn lại và hung dữ nhất.
Con đực này luôn giành lấy thức ăn tốt nhất, khiến những con khác không có cơ hội phát triển kích thước vượt trội hơn nó. Nó cũng là con duy nhất trong đàn được giao phối với con cái.
![Cá hề sống cộng sinh với hải quỳ. Ảnh: Live Science](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/08/24/ca-he-1717-1535106038.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aVqjdbeciyN7KTThdJd0Wg)
Cá hề sống cộng sinh với hải quỳ. Ảnh: Live Science
Trong quá trình sinh sản, con cái có thể đẻ hàng nghìn trứng, phụ thuộc vào giống và kích thước của bản thân nó. Thông thường, trứng được đẻ lên một tảng đá được làm sạch hoặc rạn san hô gần hải quỳ, nơi chúng sinh sống. Sau khi trứng được đẻ ra, con đực thụ tinh cho chúng.
Nếu trứng có chất lượng kém hoặc nhiễm nấm, con đực sẽ ăn chúng. Tương tự, nếu con đực không có kinh nghiệm giao phối hay căng thẳng, nó cũng ăn luôn những quả trứng.
Nếu không, con đực (hiếm khi là con cái) sẽ bảo vệ trứng trong vòng 6-10 ngày để đợi chúng nở. Sau đó, công việc của nó xem như đã hoàn thành. Cá con sẽ bơi đi và tìm ăn sinh vật phù du cho đến khi trưởng thành.
Khi con cá cái đầu đàn chết, con cá đực trội nhất đàn sẽ được ưu tiên chọn thức ăn, bắt đầu tăng cân, cuối cùng đổi giới tính thành con cái. Nó sẽ chọn một đối tác giao phối trong số còn lại, thường là con lớn nhất và hung dữ nhất. Đó là một chu trình duy trì nòi giống của loài cá hề.
Người ta cho rằng cá hề có khả năng đặc biệt này do chúng hầu như không bao giờ đi quá xa nơi ở, mà tạo mối quan hệ cộng sinh với hải quỳ. Nếu không đổi giới tính để thích ứng, chúng khó có cơ hội sinh sản khi sống trong một khu vực hạn chế.
Câu 5: Lúc mới sinh, hồng hạc có lông màu xám. Yếu tố nào khiến lông của chúng đổi màu khi lớn lên?