Bé gái 11 tuổi, sống sót sau trận động đất, đang khóc vì đau ở trong một bệnh viện Tứ Xuyên. Ảnh: AP. |
Trên các blog và chatroom của Trung Quốc vài ngày nay tràn ngập câu hỏi: tại sao những dấu hiệu khác thường của thiên nhiên không được các cơ quan chức năng để ý để có thể cảnh báo về thảm họa động đất cho người dân.
"Nếu cơ quan địa chấn có đủ chuyên môn, họ đã có thể dự đoán trước động đất khoảng 10 ngày, khi hàng nghìn mét khối nước trong một cái hồ ở Hồ Bắc (Hubei) biến mất chỉ trong một giờ, nhưng cơ quan này đã không nhận thấy điều đó", một blogger viết.
Trên thực tế, các nhà địa chấn học khẳng định rằng không thể dự báo về địa điểm và thời điểm sẽ diễn ra động đất.
Một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đã tìm cách sử dụng những thay đổi của tự nhiên - thường là hành vi của động vật - làm dấu hiệu cảnh báo sớm. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cách chắc chắn nào để dự báo động đất dựa trên sự thay đổi hành vi của động vật.
Tuy nhiên điều đó không chặn được cơn bão những lời bàn tán trên mạng. Ngay cả báo chí chính thống cũng không đứng ngoài. Tờ China Daily số ra hôm thứ ba cũng đặt câu hỏi tại sao chính phủ không dự đoán động đất.
Các thành viên cộng đồng mạng cho hay dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ ba tuần trước, khi mực nước hồ Enshi ở tỉnh Hồ Bắc - cách tâm chấn chừng 500 km, sụt sâu.
Sau đó, chỉ ba ngày trước khi cơn địa chấn kinh hoàng ập đến, hàng nghìn con cóc đã nhảy trên đường phố Miên Châu (Mianzhu), nơi bị ảnh hưởng nặng của động đất và có đến 2.000 người thiệt mạng. Người dân Miên Châu lo ngại rằng cóc nhảy là dấu hiệu cho thấy thiên tai sắp đến, nhưng văn phòng khí tượng địa phương khẳng định điều đó là bình thường, tờ Huaxi Metropolitan đưa tin hôm 10/5, hai ngày trước động đất.
Vào hôm diễn ra động đất, những con ngựa vằn ở vườn thú thành phố Vũ Hán (Wuhan) đập đầu vào cửa sắt. Thành phố này cách tâm chấn 900 km. Cũng tại đây, nhiều con voi quay cái vòi của chúng một cách điên cuồng, suýt nữa đập phải nhân viên vườn thú. Khoảng 20 con sư tử và hổ - vốn thường ngủ trưa - cứ đi đi lại lại trong chuồng. 5 phút trước khi động đất bắt đầu, hàng chục con công cùng rít lên.
Nhà địa chấn học Roger Musson thuộc Cơ quan nghiên cứu địa lý Anh quốc cho rằng có một số nguyên nhân khiến động vật thay đổi hành vi. Khả năng lớn nhất là do trước động đất, những khối đá lớn dưới lòng đất phát ra sóng điện từ mà động vật có thể tiếp nhận. Một giả thuyết khác là các con vật có khả năng cảm nhận các chấn động yếu xuất hiện trước động đất, điều mà con người không có được.
Mùa đông năm 1975, giới chức Trung Quốc đã cho sơ tán một thành phố ở tỉnh đông bắc Liêu Ninh (Liaoning) một ngày trước khi trận động đất mạnh 7,3 độ richter, nhờ quan sát sự thay đổi hành vi của động vật và mực nước trong các ao hồ.
Một số sự biến đổi đột ngột các hiện tượng tự nhiên như mực nước cũng được ghi nhận trước cơn địa chấn đẫm máu ở Đường Sơn (Tangshan) năm 1976 làm chết hơn 200.000 người. Khi đó, một nhóm các nhà địa chấn học Trung Quốc đã được điều tới khu vực nhưng không tìm thấy bằng chứng cho thấy khả năng xảy ra động đất. Trên đường trở về, họ dừng nghỉ qua đêm ở Đường Sơn và thiệt mạng trong thảm họa thiên nhiên đó.
T. Huyền (theo AP)