Thông thường, máy quay ghi lại hình ảnh của 5-15 loài trong một ngày. Nhưng khoảng 23 ngày trước khi có động đất, thiết bị chỉ ghi nhận sự xuất hiện của một vài loài. Trong vòng 5-7 ngày ngay trước trận động đất, máy quay không thu nhận bất kỳ dấu hiệu của loài vật nào. Đây là một hiện tượng kỳ lạ ở vùng núi rừng nhiệt đới vốn có rất nhiều động vật hoang dã này.
"Có khả năng là sự tập trung ion dương khi đất đá dưới bề mặt Trái Đất bị nén lại trước động đất là nguyên nhân tác động đến hành vi di trú của động vật. chúng không thích ion dương. Ion dương thường tập trung ở đỉnh đồi nên động vật sẽ di chuyển xuống khu vực dưới thấp để tránh", tiến sĩ Rachel Grant, giảng viên Đại học Anglia Ruskin, Anh, cho biết:
Trong vòng hai năm, Grant phân tích dữ liệu để xác định liệu có trận động đất nào ở vùng lân cận đủ lớn để gây ra phản ứng như vậy ở động vật hay không. Bà cho rằng điều này khó xảy ra vì công viên quốc gia cách tâm chấn đến 350 km. Nhưng khi quan sát dữ liệu, Grant ngạc nhiên khi thấy số lượng động vật giảm đi nhanh chóng trước trận động đất.
Ngoài đặt máy quay theo dõi, các nhà nghiên cứu còn ghi lại sự dội lại của sóng radio tần số rất thấp để phát hiện nhiễu loạn trong tầng điện ly. Sự dao động đặc biệt lớn được ghi lại 8 ngày trước động đất, trùng khớp với thời điểm động vật biến mất.
Grant cho biết chuột là loài có hệ thống cảnh báo sớm và tốt nhất. "Gặm nhấm là loài đầu tiên biến mất. Chúng thường ở khắp nơi trong rừng với số lượng lớn. Nhưng 8 ngày trước động đất, chúng hoàn toàn biến mất, không tìm thấy ở bất kỳ đâu trong rừng", bà nói.
Động vật có thể là một hệ thống báo động hữu ích, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ dựa vào hành vi của chúng thì đây không thể là một cỗ máy báo động hoàn toàn tin cậy. "Hành vi của động vật không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được. Về vấn đề phát hiện động đất, chúng ta vẫn cần phải kết hợp giữa yếu tố đó và hoạt động đo lường địa chất", Grant chia sẻ.
Thanh Trúc (theo CNN)