
Kangaroo chạy khỏi đám cháy rừng. Ảnh: BBC.
Mùa cháy rừng ở Australia sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa và ước tính số động vật chết cháy trên khắp đất nước lên tới 1 tỷ. Tuy nhiên, khả năng thích nghi và sự khéo léo có thể giúp động vật hoang dã sinh tồn khi ngọn lửa càn quét môi trường sống của chúng, làm mất đi nguồn thức ăn và nơi trú ngụ.
Năm 2018, một nhân viên vườn thú Audubon ở Mỹ vô ý làm cháy bột nướng bánh, điều khác thường xảy ra. Trong các chuồng gần đó, 10 con thằn lằn bóng đuôi ngắn Shingleback bắt đầu chen nhau chạy và thè lưỡi nhanh. Nhưng thằn lằn trong buồng không có khói vẫn ở nguyên tại chỗ và tỏ vẻ điềm tĩnh.
Rõ rằng, thằn lằn bóng đuôi cảm nhận được khói từ khối bột cháy, có thể thông qua khứu giác. Nhờ đó, chúng kịp phản ứng khi gặp đám cháy. Ở Australia, các thí nghiệm chỉ ra mùi khói cũng đánh thức dơi tai dài và thú có túi dunnart, cho phép chúng chạy thoát khỏi đám cháy.
Động vật cũng có thể nhận biết âm thanh đặc trưng của đám cháy. Ếch sậy chạy tới nơi ẩn nấp và dơi đỏ phương đông bừng tỉnh khi nghe âm thanh đám cháy. Các loài khác phát hiện ngọn lửa vì nhiều lý do khác nhau. Bọ cánh cứng thuộc chi Melanophila phụ thuộc vào lửa để sinh sản bởi ấu trùng của chúng phát triển trong gỗ của những thân cây bốc cháy. Bọ cánh cứng có thể phát hiện đám cháy rất xa. Một số cá thể còn nhận biết đám cháy ở cách 130 km.
Các động vật lớn thường bỏ chạy khi gặp lửa như những con kangaroo chạy trốn đám cháy ở Monaro thuộc bang New South Wales cách đây vài ngày. Kangaroo và chuột túi wallaby thường chạy tới các con đập và lạch nước. Một số loài vật khác ưa ở nguyên tại chỗ, tìm nơi trú ngụ trong hang sâu hoặc dưới những tảng đá. Các động vật nhỏ thường bò vào hang gấu túi mũi trần để sống sót qua đám cháy. Hang sâu ngăn cách chúng với hơi nóng của ngọn lửa, tùy theo độ sâu. Nhờ đó, động vật có thể phục hồi số lượng ở những khu vực bị thiêu rụi. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng số lượng thú có túi antechnius và chuột bụi rậm phục hồi gần như hoàn toàn sau đợt cháy rừng hôm 7/2/2009.
Thời gian hàng tuần sau đám cháy cũng đem đến hàng loạt thách thức mới. Nguồn thức ăn thường trở nên khan hiếm và mặt đất trơ trụi khiến nhiều loài như thằn lằn và động vật có vú nhỏ dễ bị động vật săn mồi phát hiện hơn. Chim săn mồi thường kéo đến rất nhanh trong các đám cháy. Các nhà nghiên cứu còn quan sát một số loài ở phía bắc Australia cố ý làm lửa lan rộng bằng cách dùng mỏ hoặc móng vuốt tha thanh gỗ đang cháy. Nghiên cứu công bố ở Mỹ năm 2017 ghi nhận lượng hoạt động của chim săn mồi tăng gấp 7 lần trong dám cháy. Chúng bắt đầu đi săn khi ngọn lửa bốc lên, và quanh quẩn trong suốt nhiều tuần hoặc nhiều tháng để tranh thủ bắt con mồi dễ tấn công.
Ở Australia, nhiều động vật săn mồi du nhập từ nơi khác cũng bị thu hút bởi đám cháy. Mèo hoang có thể di chuyển 12,5 km từ môi trường sống quen thuộc tới hệ sinh thái đồng cỏ cao bị cháy bởi các cột khói bốc lên từ xa là dấu hiệu hứa hẹn có nhiều con mồi mới. Nghiên cứu năm 2016 nhận thấy một loài chuột bản xứ có tỷ lệ chết ở những khu vực cháy thường xuyên cao gấp 21 lần so với khu vực không bị cháy do trở thành mồi săn của mèo hoang.
Thú lông nhím mỏ ngắn tìm nơi trú ẩn trong đám cháy. Khi tìm thấy, chúng sẽ giảm nhiệt độ cơ thể và hạn chế hoạt động để giảm lượng thức ăn cần tiêu hóa. Dù có bộ lông nhọn bảo vệ, thú lông nhím thường rơi vào bụng cáo sau đám cháy, vì vậy ở yên tại nơi trú ẩn là lựa chọn tốt đối với chúng. Những loài thú có túi nhỏ như antechinus nâu và antechinus chân vàng cũng chuyển sang trạng thái uể oải để giảm nhu cầu năng lượng và tìm kiếm thức ăn.
An Khang (Theo Stuff)