Kia con sông lớn hiền hòa sóng vỗ, đẩy từng đợt sóng nhỏ cho xuồng ghe lướt nhanh, cho những chuyến đò ngang rộn ràng đưa khách sang sông. Đây vườn bưởi xanh ngàn, đi mãi đếm từng gốc xum xuê trái cùng với tiếng ồm ộp gọi bạn của những chú ếch cơm…
Nếu ở Sài Gòn là ồn ào khói xe thì về nhà là những con đường quê thênh thang trải dài với bờ lau cao vút. Nếu ở Sài Gòn phải lo toan các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thì về nhà tôi có thể trải lòng, hồn nhiên với xóm giềng thân quen. Nếu ở Sài Gòn huyên náo đến xoay tròn thì về nhà bình yên và thư thái biết nhường nào.
Sinh ra và lớn lên trên miền đất ngọt ngào bồi đắp bởi phù sa, tiếng mẹ ru hời à ơi con ngủ cho ngoan. Tuổi thơ tôi êm đềm trên lưng cha, cha cõng đi chơi con gái nhé. Nhớ lắm vòng tay ấm áp cha xiết chặt con gái vào lòng cho mẹ yên tâm đi chợ sớm…
18 năm trôi qua, tôi trở thành một cô sinh viên trường cao đẳng kinh tế đối ngoại. Lần đầu tiên, tôi phải sống xa nhà, phải tự lập giữa chốn đô thị phồn hoa. Bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu ngỡ ngàng, tôi như con chim nhỏ thôn quê lạc lối chốn đô thành.
Hồi đó gia đình tôi đang gặp khó khăn, phần vì nước lũ mất mùa, phần vì trái cây rớt giá. Một gia đình thuần nông, yêu vườn chăm tượt như gia đình tôi, nó là một mất mác quá lớn lao. Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển của trường, mẹ của tôi mừng mừng mà tủi tủi. Cha vay bên nội, mẹ vay bên ngoại cho tôi vài triệu đồng đóng tiền trường và trang trải việc học. Đứng trước cổng trường, hai mẹ con tôi như lọt thỏm giữa những dòng người, dòng xe. Tôi nhớ như in cái ngày ấy, một tay mẹ nắm tay tôi thật chặt, một tay mẹ xách va ly áo quần của tôi, mẹ dẫn tôi từng bước qua từng con đường để tìm nhà trọ. Mưa lất phất rơi, tôi thì hoang mang vì mãi tận tối rồi mà không tìm được chỗ, mẹ thì mệt lắm nhưng kiên nhẫn và vững vàng là chỗ tựa cho tôi…
Ngày đầu tiên lên giảng đường, mẹ tôi dậy thật sớm ra ngã tư gần nhà trọ mua cho tôi gói xôi đậu phộng, đối với tôi lúc ấy nó thật ngon lắm. Mẹ dẫn tôi đến trường, chỉ cho tôi nhận biết đoạn đường từ nhà trọ đến trường.
- “Con nhớ là đi thẳng đường này, đến ngã 4 rồi rẽ trái nha con. Lúc về có thể đi qua con hẻm này cho gần, nhưng nhớ đừng đi một mình vào buổi tối đó”.
- “Mẹ thương con lắm, con gái mẹ ngoan học giỏi, cố gắng chăm học, đừng phụ lòng cha mẹ nha con. Cha mẹ không ngại vất vả, cha mẹ mong con học giỏi, thành công, mong con luôn cười, mong con hạnh phúc…” Bức thư của mẹ là động lực để tôi phấn đấu, để tôi mãi là một con bé miền tây ngây ngô nhưng không vụng về giữa Sài Gòn.
Biết bao giọt nước mắt đã rơi rồi đọng lại trên mắt mẹ, biết bao giọt mồ hơi chảy trên lưng cha, bàn tay cha chai sần vì vất vả, biết bao buồn vui, cảm xúc ngày tôi khoác trên người chiếc áo cử nhân, ngày tôi hãnh diện nhận bằng tốt nghiệp.
Giờ đây, tôi đã đi làm, đã bắt đầu va chạm với xã hội, bắt đầu học cách bình thản với công việc quá bộn bề, học cách cư xử… bao nhiêu thứ tôi phải học từ cuộc sống hiện đại, bao nhiêu là áp lực giữa cuộc sống mà vô hình chung nó như một cái guồng kiếm tiền khiến con người ta phải hối hả lao vào.
… Và, “mái ngói đỏ” thân thương của tôi là nơi duy nhất tôi tìm được niềm vui, sự ấm áp và bình an mỗi khi va vấp hay rơi vào trạng thái gọi là “stress”. Về nhà để được nghe tiếng sóng vỗ rì rầm, để được tận hưởng cơn gió lạnh nhẹ thổi ngang tai, để được vắt vẻo đôi chân trần dưới dòng nước trong lành, để được chèo xuồng canh cách đi hái ổi vườn của nội, để được nghe tiếng: “Chị hai ơi, dẫn em đi ăn chè”, của bé em gái.
Hơn hết là, để được thưởng thức bữa cơm ấm cúng của gia đình. Buổi sáng cha dậy thật sớm pha ấm trà nóng ngồi nhâm nhi rồi chở mẹ đi chợ. Chị em tôi thức trễ hơn và chỉ có việc duy nhất là chờ cha mẹ đi chợ về mua bánh. Mẹ tôi mua toàn những thức ăn chị em tôi thích. Bữa cơm đầm ấm của gia đình được thực hiện trong tiếng cười đùa của hai chị em tôi: “Chị hai lấy muối cho mẹ kìa, em bận rửa rau rồi”, “Cha ơi, nước sôi rồi, cha lo xem TV không nấu canh chua kìa mẹ ơi”. Trong khi đó, tôi đang loay hoay với hai con lươn to đùng không biết phải làm sao, nó cứ bò quanh cái sàn nước không thể nào giữ lại được. Hậu quả sau mấy phút thử tài làm lươn của tôi là để xổng một “em” xuống sông. Tôi ngỡ ngàng nuối tiếc, còn mọi người thì cười vang và trách yêu tôi vụng về mà đòi làm dũng sĩ diệt lươn. Bữa cơm trưa với canh chua cá lóc ngọt ngọt chua chua của cha, với gà chiên nước mắm thơm lừng được trang trí đẹp mắt với rau xà lách và cà chua của mẹ, với thịt lươn um lá cách nước dừa mà tôi vừa phóng sinh một con.
Bữa cơm xoa dịu mệt mỏi, bữa cơm đầy yêu thương, bữa cơm làm tình cảm gia đình thêm khăng khít. Thời gian để mỗi thành viên trong gia đình chia sẻ buồn vui. Nó là nỗi nhớ cho những người con xa quê, là nam châm thôi thúc ngày trở về. Nó là hình ảnh để ta luôn nhớ về công ơn sinh thành và đức hy sinh vì con cái của cha mẹ nếu ta lỡ quên, là sợi dây vô hình mà ấm áp lạ thường.
Dù lớn khôn, dù thành đạt, thì mỗi người chúng ta đều lớn lên từ bầu sữa ấm của mẹ, từ tuổi thơ êm đềm bên cha, từ những bữa cơm gia đình cho dù là đạm bạc muối dưa hay đủ đầy cao sang. Tình cảm gia đình là điều đáng trân quý nhất, không có gia đình, liệu ta sẽ ra sao? Có được vị trí trong xã hội này? Họa chăng là có, liệu từ sâu thẩm trái tim ta có được ấm áp, có được bình an trong tâm hồn? “Thuyền không bánh lái thuyền quày, con không cha mẹ, ai bày con nên?”
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Trần Hữu Hồng Vân