Tốc độ gia tăng dân số đang được Việt Nam khống chế thành công, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tại mittinh kỷ niệm Ngày dân số Thế giới, sáng 11/7. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% từ năm 2010 đến nay.
Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân Việt Nam tính đến tháng 4 là 96,2 triệu người; trong đó nam 47,88 triệu (49,8%); nữ 48,32 triệu (50,2%), trong khi tỷ lệ này năm 2018 lần lượt là 49,4% và 50,6%. Dân số Viêt Nam đang đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm kể từ 2009, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10 triệu, tỷ lệ tăng giảm nhẹ so với giai đoạn trước.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế), cho biết hiện Việt Nam đã đạt và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Số con trung bình mỗi phụ nữ đã giảm từ 3,74 con năm 1992 xuống đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006 và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Với việc duy trì mức sinh thay thế kéo dài hơn 12 năm, Việt Nam đã kết thúc giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học quan trọng, chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, hợp lý.
Theo ông Tú, một trong những thách thức của công tác dân số hiện nay là tỷ suất sinh chung của cả nước khoảng 2 con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên ở một số vùng đô thị, kinh tế - xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế. Điển hình như Đồng Tháp bình quân 1,34 con/phụ nữ, TP HCM 1,36 con/phụ nữ, Bà Rịa - Vũng Tàu 1,37 con/phụ nữ, Hậu Giang 1,53 con/phụ nữ.
Để nâng mức sinh ở các tỉnh này, trước mắt ngành dân số đã thay đổi thông điệp truyền thông ở các tỉnh này như: "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con," xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con.
Cơ cấu dân số đang thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng người phụ thuộc giảm, người trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 1989 đến nay, số dân dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24%; trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.
Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Giai đoạn dân số vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 30 năm đến 40 năm, tối đa là 45 năm.