Thông tin được nêu tại hội thảo "Tham vấn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức hôm 13/12.
Du lịch nông nghiệp là mô hình du lịch trải nghiệm lấy hoạt động sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, phục vụ du khách có nhu cầu tham quan, giải trí và học tập. Đến đây, du khách có thể tham gia trực tiếp các hoạt động từ trồng, thu hoạch, chế biến nông sản đến trải nghiệm văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống...
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, phát triển du lịch có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, nhất là thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.
Trong Đề án phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030, Đồng Tháp đề xuất xây dựng 8 bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp. Cụ thể là "Tui làm nông dân xứ Sen hồng", "Kể chuyện nhà nông", "Khám phá Làng hoa Sa Đéc - hương sắc trăm năm", "Tháp Mười - vương quốc sen hồng", "Cao Lãnh - xứ sở xoài", "Lai Vung - thế giới quýt hồng", "Hồng Ngự - thủ phủ cá tra", "Học kỳ nông nghiệp".
Du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp được xác định là chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là một mắt xích kéo dài chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay tỉnh có hơn 100 điểm tham quan du lịch nông nghiệp trải đều khắp 12 huyện, thành phố đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm.
Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: gắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP, xây dựng các tour du lịch nội tỉnh và liên vùng dựa trên thế mạnh đặc trưng địa phương...
Kim Ánh