Năm 1858, nước thải chảy thẳng ra sông Thames gây mùi hôi thối sặc sụa. Một thế kỷ sau, nhiều đoạn của tuyến đường thủy nổi tiếng này bị tuyên bố đã chết về mặt sinh học.
Nhưng trong báo cáo "Tình trạng sông Thames" công bố hôm 9/11, Andrew Terry, giám đốc chính sách và bảo tồn Hiệp hội Động vật học London, cho hay dòng sông bây giờ đã hồi sinh, khi môi trường được cải thiện và các loài động vật đã quay lại.
Trước năm 2000, hải cẩu gần như vắng bóng trên sông Thames, nhưng bây giờ, người dân có thể nhìn thấy "cả hải cẩu cảng biển và hải cẩu xám ở sông", theo báo cáo của Terry. Hải cẩu xuất hiện từ đoạn sông ở phía tây London, nơi thủy triều chỉ lên được mức giới hạn, qua trung tâm thành phố và cửa sông.
Chim mỏ cứng, loài chim lội nước di cư tuyệt chủng ở Anh từ năm 1842 do mất môi trường sống, bắt đầu quay lại sau Thế chiến II và trong ba thập kỷ qua, số lượng loài chim này ở sông Thames tăng hơn gấp đôi.
Báo cáo cho hay phương án mở rộng các nhà máy xử lý nước thải bắt đầu từ năm 1960 và nỗ lực hạn chế chất thải công nghiệp đã giúp làm sạch sông Thames ở một mức độ nhất định.
"Nồng độ oxy hòa tan, chỉ số quan trọng để các loài thủy sản sinh sống, đã gia tăng trong thời gian dài", trích báo cáo. "Nồng độ phốt pho giảm trong dài hạn và ngắn hạn, cho thấy hiệu quả của các công trình xử lý nước thải trong giảm mức độ gây hại của các chất ô nhiễm".
Những dấu hiệu này chứng tỏ xu thế đầy hứa hẹn về một con sông hồi sinh, nhưng báo cáo của Terry lưu ý vẫn cần thận trọng, cảnh báo về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với dòng sông.
"Do hệ thống nước thải của London đa phần được xây dựng từ những năm 1800, khi dân số London chưa bằng 1/4 hiện nay, các trận bão có thể khiến nước thải dâng cao, tràn vào sông Thames đoạn Tidal, đe dọa chất lượng nước", Terry viết trong báo cáo.
London đang xây dựng dự án "siêu cống thoát nước thải", hay còn được gọi là Đường hầm Thames Tideway, dự kiến hoàn thành năm 2025 và sau khi đi vào hoạt động "sẽ thu giữ và lưu trữ phần lớn trong hàng triệu tấn nước thải chưa qua xử lý đang đổ vào cửa sông".
Sông Thames có chiều dài 346 km chảy dọc miền nam nước Anh, bao gồm London, là con sông dài thứ hai ở Anh sau Severn. Nó chảy qua Oxord, Reading, Henley on Thames và Windsor. Tideway là đoạn sông bắt đầu từ Teddington Lock, chảy qua trung tâm thành phố London và đổ ra Biển Bắc qua Cửa sông Thames.
Hồng Hạnh (Theo NPR)