Video ghi lại cảnh một dòng sông bùn đất và cỏ xanh chảy tràn qua làng Dimye ở cao nguyên Thanh Tạng hôm 7/9 gây sốt trên các trang mạng xã hội Weibo và WeChat của Trung Quốc, theo National Geographic.
Không giống như phần lớn vụ lở đất diễn ra nhanh chóng và đột ngột, ụ đất di chuyển này là dòng đất chảy, một loại lở đất thường chuyển động chầm chậm. "Đó là một sức mạnh chậm rãi và không thể ngăn cản, nhưng không lập tức gây chết người", nhà nghiên cứu lở đất Mika McKinnon, cho biết.
Theo các phương tiện truyền thông ở địa phương, không có báo cáo về tử vong hoặc thương tích sau sự việc, nhưng nông trại và xe ôtô của một gia đình đã biến mất.
Từ khi video bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người suy đoán dòng đất chảy do tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan rã gây ra. Kiểu tan rã này và địa mạo hình sẹo rỗ mà nó tạo ra có tên gọi là vùng lõm thermokarst.
Tầng đất đóng băng vĩnh cửu giữ vai trò quan trọng trong môi trường lạnh, giúp cố định những lớp đất phủ đè lên nhau và tạo thành nền móng để các loại cây trồng và thực vật mọc bên trên.
Đất đóng băng vĩnh cửu chiếm khoảng 24% lượng đất ở Bắc bán cầu, theo số liệu trên trang khí tượng học Weather Underground. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu ước tính vào khoảng giữa thế kỷ 21, gần 20 - 35% đất đóng băng vĩnh cửu có thể tan rã.
Sự tan rã này có thể khiến địa hình đất đai trở nên nguy hiểm hơn với những người sinh sống gần khu vực ấm lên. Khi tầng đất đóng băng vĩnh cửu bên dưới bắt đầu nóng lên, nó tan rã và không thể tiếp tục chống đỡ lớp đất bên trên nữa. Tùy theo lượng đất đóng băng vĩnh cửu nằm bên dưới một khu vực, mặt đất có thể trở nên vô cùng kém ổn định.
"Hãy tưởng tượng bạn lấy một tảng thịt lợn ra khỏi tủ đá, nó sẽ không tan chảy. Nó sẽ chuyển từ trạng thái đông cứng sang trạng thái rã đông", Sarah Godsey, một giáo sư ở Đại học Idaho, Mỹ, người chuyên nghiên cứu sự tan chảy của đất đóng băng vĩnh cửu ở Alaska, nói. "Nhưng nếu tảng thịt lợn chứa 50% băng đá, câu chuyện sẽ khác hẳn. Lượng băng thực sự rất quan trọng".
Thermokarst từng được quan sát và ghi nhận trước đây ở cao nguyên Thanh Tạng. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports hồi tháng 5 cho biết tình trạng sa mạc hóa trong khu vực đang góp phần vào sự tan rã của tầng đất đóng băng vĩnh cửu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lở đất trong video. Do không thể quan sát rõ ràng những khối vật liệu đóng băng, họ không chắc chắn có phải tầng đất đóng băng vĩnh cửu trong khu vực đang tan rã hay không, theo McKinnon.
McKinnon và một đồng nghiệp ở Tây Tạng bắt tay tìm kiếm hình ảnh vệ tinh có thể cung cấp dữ liệu rõ hơn về khu vực trước và sau khi xảy ra hiện tượng, nhưng căng thẳng địa chính trị khiến công việc của họ trở nên khó khăn. Godsey cũng chung ý kiến. Cô nhấn mạnh rất khó nói dòng đất chảy do tầng đất đóng băng vĩnh cửu gây ra khi chưa nghiên cứu thành phần đất trong khu vực.
Phương Hoa